Sân bay AtlantaAtlanta, bang Georgiargia, Mỹ tấp nập du khách. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi có nhiều câu hỏi đặt ra về việc người tiêu dùng sẽ tiếp tục đam mê này trong bao lâu nữa, thì các hãng hàng không, khách sạn và các nhà phân tích cho biết du lịch vẫn là “ưu tiên hàng đầu”, thay vì theo kiểu “có cũng được” như những năm trước.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), du lịch quốc tế trong năm nay ước đạt khoảng 90% so với mức trước đại dịch. Sự phục hồi được dẫn dắt bởi lượng du khách đến Nam Âu từ nhiều vùng khác và bao gồm một lượng lớn khách du lịch Mỹ bay ra nước ngoài.
Nhu cầu đặt phòng quốc tế cũng đặc biệt tăng mạnh sau khi các lệnh hạn chế liên quan đến đại dịch được dỡ bỏ. Số liệu từ trang web du lịch Kayak cho thấy, số lượt tìm kiếm các chuyến du lịch hè tới châu Âu của du khách Mỹ đã tăng 55% so với năm ngoái.
“Sau đại dịch, một số người đã thiết lập lại các ưu tiên của họ và tập trung vào việc vung tiền cho những chuyến du lịch”, ông Dan McKone, đại diện cấp cao của công ty tư vấn chiến lược L.E.K. cho biết.
Công ty công nghệ du lịch Amadeus thậm chí còn nhận định rằng, nhu cầu du lịch có thể sẽ tăng lên vào năm tới. Một cuộc khảo sát gần đây với du khách từ Anh, Pháp, Mỹ, Đức và Singapore cho thấy, 47% số người được hỏi khẳng định du lịch quốc tế là hạng mục chi tiêu không bắt buộc được ưu tiên cao trong năm 2023 và 2024, so với chỉ 42% số người có cùng ý kiến này trong năm 2022.
Rõ ràng, những xu hướng đó đã nâng cao thu nhập hàng quý của các công ty du lịch, với các công ty điều hành du lịch như Royal Caribbean báo cáo kết quả kỷ lục trong những tuần gần đây. Các công ty du lịch Booking Holdings và Airbnb cũng cho biết doanh thu lần lượt tăng 27% và 18%, trong khi hãng hàng không Delta Airlines và tập đoàn khách sạn Marriott International dự báo nhu cầu sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Hãng hàng không Lufthansa của Đức cho biết, lượng đặt chỗ trong những tháng còn lại của năm 2023 hiện vượt 90% so với mức trước đại dịch và mùa du lịch hè kéo dài sang đến tháng 10. United Airlines sẽ mở rộng vùng hoạt động ở Thái Bình Dương vào mùa thu này với các chuyến bay mới đến Manila (Philippines), Hong Kong (Trung Quốc), Đài Bắc (Đài Loan) và Tokyo (Nhật Bản).
Nhìn chung, nhu cầu hành khách toàn cầu ước tính sẽ tăng 22% trong năm 2023 và tăng 6% vào năm 2024 so với cùng kỳ năm 2022, dịch vụ nhà đầu tư của Moody’s cho biết. Giá vé - trong một số trường hợp đã tăng theo tỷ lệ phần trăm hai con số kể từ đại dịch, khó có thể giảm mạnh.
“Mọi người đang định giá theo nhu cầu và đây là phương trình kinh tế cơ bản. Chúng ta đang ở trong một môi trường có chi phí đầu vào cao, điều đó gây áp lực lên giá cả”, ông Jozsef Varadi, Giám đốc điều hành của hãng hàng không giá rẻ Wizz Air, lý giải.
Bà Hayley Berg, nhà kinh tế hàng đầu tại công ty du lịch trực tuyến Hopper, cho rằng chi phí du lịch đến châu Âu và châu Á dự kiến sẽ không có sự giảm giá đáng kể vào mùa thu này. Bà nhận định giá vé máy bay trên các tuyến bay quốc tế đường dài sẽ duy trì ở mức cao cho đến khi nguồn cung vượt xa mức trước đại dịch, nhu cầu được bình thường hóa và giá nhiên liệu máy bay giảm hơn nữa.
Tuy nhiên, du lịch nội địa của Mỹ lại là điểm yếu, vì việc chấm dứt các hạn chế và xét nghiệm COVID-19 đã giải phóng nhu cầu du lịch nước ngoài vốn đã bị dồn nén suốt mấy năm đại dịch của người Mỹ.
Theo Văn phòng Du lịch và Lữ hành Quốc gia Mỹ, lượng khách quốc tế đến nước này trong tháng 5 đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,37 triệu lượt khách, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 20% so với lượng khách trước đại dịch được ghi nhận vào tháng 5/2019.
Giá vé máy bay nội địa trung bình ở Mỹ hiện khoảng 246 USD khứ hồi, giảm 8% so với năm 2022, theo ứng dụng đặt vé du lịch Hopper.
Các giám đốc điều hành cho biết, phòng khách sạn ở Mỹ có thể trở nên đắt đỏ hơn do thiếu nguồn cung, nhưng nhu cầu giảm có thể làm giảm tác động đó.
Theo nhận định của Giám đốc tài chính của Marriott Kathleen Oberg, “tăng trưởng du lịch ở thị trường quốc tế dự kiến sẽ vẫn cao hơn ở Mỹ và Canada, nơi chúng ta đang chứng kiến sự quay trở lại của các mô hình theo mùa bình thường hơn”.
Về triển vọng tương lai, một số tập đoàn hàng không như IAG, chủ sở hữu của British Airways, đang bày tỏ sự không chắc chắn liệu nhu cầu có thể được duy trì hay không. Nhiều nhà phân tích cho rằng, ngân sách tiết kiệm của người tiêu dùng giảm dần có thể gây ra sự suy giảm trong chi tiêu, nếu lạm phát không giảm.