leftcenterrightdel
 Trường đại học Y - Dược phối hợp với đối tác Hàn Quốc khám và điều trị cho các bệnh nhân bị dị tật hở hàm ếch

Kịp thời cập nhật thông tin mới

Trong xu thế mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 40 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế. Hoạt động hợp tác tập trung vào 2 mảng chính, phát triển chương trình liên kết, hợp tác đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, trường này đang triển khai thực hiện 2 chương trình liên kết đào tạo đồng cấp bằng ngành Tài chính – Ngân hàng với Đại học Rennes 1, Cộng hòa Pháp và chương trình ngành Kinh tế - Tài chính giảng dạy bằng tiếng Anh theo chương trình đào tạo của Trường đại học Sydney - Australia. Hiệu quả của hai hợp tác này đã mang lại nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ đào tạo hiện đại và phát triển đội ngũ giảng viên của trường. Cùng với đó, lực lượng sinh viên ra trường được nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tin tưởng tuyển dụng vào những vị trí việc làm quan trọng.

TS. Trần Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng khoa Kế toán – Tài chính, Trường đại học Kinh tế cho hay, trước những biến động của kinh tế thế giới và trong nước sau tác động của COVID-19, cùng với tình hình an ninh chính trị trên thế giới tác động đến nền kinh tế, đòi hỏi đào tạo trên lĩnh vực kinh tế cũng phải bắt nhịp với xu hướng, cập nhật kiến thức mới cho sinh viên. Chính vì vậy, trong hợp tác giữa hai đơn vị, trường vừa mời GS. Franck Martin, Đại học Rennes, Cộng hòa Pháp sang trao đổi về dự đoán thị trường tiền điện tử. Giảng viên của trường đã được giới thiệu về những xu hướng trong nghiên cứu về tiền mã hóa; dự đoán thị trường tiền mã hóa bằng phương pháp kết hợp giữa học máy và kinh tế lượng. Đây là một nghiên cứu liên ngành với kết quả rất tiềm năng, có khả năng ứng dụng cao trong đầu tư lẫn nghiên cứu hàn lâm, phục vụ đào tạo chuyên ngành tại trường.

Một hoạt động hợp tác quốc tế vừa được Trường đại học Kinh tế triển khai là hợp tác với Trường đại học Akron, Hoa Kỳ. Hai bên thống nhất tác đào tạo chương trình 2+2. Đây là chương trình du học chuyển tiếp bậc cử nhân giữa hai bên; hợp tác theo mô hình khóa học 8 tuần, do các giảng viên hàng đầu phía Hoa Kỳ sang đào tạo; hợp tác trong trao đổi sinh viên, học viên, giảng viên,…

PGS.TS. Trần Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế cho biết, năm 2022, trường chuyển sang giai đoạn tự chủ tài chính ở mức 1. Để thu hút sinh viên, trường xác định phải nâng cao chất lượng đào tạo. Việc tận dụng sức mạnh của các đối tác thành sức mạnh của nhà trường là giải pháp mang tính chiến lược dài hạn; qua đó, giúp cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Trường đại học Kinh tế trở thành một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung ứng dịch vụ về lĩnh vực kinh tế và quản lý có chất lượng, uy tín, xếp vào nhóm 10 cơ sở đào tạo kinh tế và quản lý hàng đầu ở Việt Nam.

Thêm những kết nối

Là đơn vị đào tạo về ngoại ngữ, việc hợp tác tác quốc tế trong đào tạo gần như là giải pháp tiên quyết được Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế thực hiện; trong đó, hiệu quả nhất phải kể đến hợp tác đào tạo giáo viên và trao đổi sinh viên.

Sau nhiều quốc gia, mới đây, Trường đại học Ngoại ngữ đã tiến hành hợp tác với Trường đại học Ajou, Hàn Quốc. Trường này nằm trong top 10 đại học tốt nhất của Hàn Quốc và thuộc nhóm 500 trường Đại học xếp hạng QS cao nhất trên thế giới.

PGS.TS. Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ chia sẻ, hợp tác những năm qua, học tiếng Hàn được sinh viên lựa chọn. Hợp tác mới này mở ra cơ hội hợp tác về đào tạo tiếng Hàn, cụ thể là chương trình học bổng sau đại học cho giảng viên Khoa Ngôn ngữ văn hóa Hàn Quốc và chương trình trao đổi sinh viên công nhận tín chỉ cho sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn Quốc; tạo thêm nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Hàn tại Trường đại học Ngoại ngữ. Với hợp tác này, chắc chắn chất lượng đào tạo về tiếng Hàn ở trường sẽ tăng lên.

Trường đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan là Trường Đại học Quốc gia xuất sắc của Đài Loan, xếp hạng thứ 332 thế giới, 70 châu Á và số 1 của Đài Loan về sư phạm. Những chương trình đào tạo của trường được đánh giá cao. Vì vậy, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế đã có chuyến thăm, làm việc và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với trường này. Theo lãnh đạo Trường đại học Sư phạm Huế, trong thời gian đến, hai bên sẽ hợp tác về nghiên cứu khoa học, đào tạo, trao đổi giảng viên và sinh viên. Phía đối tác sẽ nhận sinh viên của Trường đại học Sư phạm Huế sang học các bậc sau đại học, với các cơ hội học bổng từ phía chính phủ Đài Loan, cũng như của Trường đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan.

Trường Đại học Khoa, Đại học Huế học cũng là đơn vị chủ động và chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế thời gian qua. Việc tìm kiếm và ký kết các hợp tác đang giúp trường thiết lập những chương trình đào tạo gắn với thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp hơn. Khi hợp tác với các đơn vị ngoài nước về đào tạo, trao đổi cán bộ, sinh viên và nghiên cứu khoa học đã nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ. Theo TS. Phan Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, trong các hợp tác mới của trường phải kể đến đối tác Trường Meros Language School, Nhật Bản, cùng các công ty, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Đơn vị đối tác đã thống nhất sẽ trao đổi sinh viên đại học và sau đại học, trao đổi giảng viên và nghiên cứu viên. Phía đối tác sẽ hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu chung và các dự án giáo dục, trao đổi tài liệu và thông tin khoa học… Quan trọng là, sinh viên khi tham gia các chương trình đào tạo trong  chương trình hợp tác sẽ có cơ hội được các doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng.

Bài, ảnh: Đức Quang