Lâu nay, khi đụng các thủ tục hành chính người dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đều có tâm lý e ngại. Điều đó bắt nguồn từ sự không minh bạch, nhiêu khê của các thủ tục hành chính; việc giải quyết kéo dài tốn bao công sức đi lại, chưa kể một số cán bộ thực thi cố tình làm khó người dân, doanh nghiệp nhằm trục lợi... Vì vậy, đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục là quyết tâm của Chính phủ, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ kiên quyết chỉ đạo và không ít lần ra “tối hậu thư” với các ngành về cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội... Kết quả rõ nhất, số giờ nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội sau một năm giảm được hàng trăm giờ mỗi năm. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2014 chính thức có hiệu lực (từ 1/7/2015), sẽ có nhiều thủ tục tiếp tục được cắt giản và thời gian giải quyết rút ngắn, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, khởi sự kinh doanh giảm 5 thủ tục và giảm thời gian từ 34 ngày xuống còn 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày.

Với Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tỉnh có nhiều việc làm cụ thể nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng, nâng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Từ giữa năm 2014, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72 thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Theo đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch. Tỉnh bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, đăng ký thương hiệu sản phẩm; chính sách khuyến khích đầu tư và lĩnh vực công nghiệp và thương mại; chính sách tiếp cận đất đai; chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chính sách phát triển hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ quà tặng, lưu niệm thương hiệu Huế; chính sách phát triển sản phẩm thương hiệu Huế; chính sách phát triển thương mại điện tử hỗ trợ xuất khẩu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử để lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. Các ngành như thuế, hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, thông quan điện tử...

Để người dân không còn ngại các thủ tục hành chính và không làm nản lòng các nhà đầu tư, đi đôi với các chính sách, vấn đề không kém phần quan trọng là cần xây dựng đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm và kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những “con sâu” đang làm “rầu nồi canh”.

Hoàng Giang