leftcenterrightdel
 Nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của A Lưới đang được xây dựng thương hiệu

Khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế

 A Lưới là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh, có nhiều sản phẩm đặc thù địa phương để thúc đẩy khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công, xây dựng thương hiệu mạnh. Trong đó phải kể đến việc phát triển thương hiệu các sản phẩm, đặc sản địa phương: bò vàng A Lưới, cá tầm, chuối già lùn, dê A Lưới, gạo ra dư... và phát triển dược liệu quý như: sâm bố chính, thiên niên kiện, ba kích, dược liệu dưới tán rừng... Ngoài ra, A Lưới còn được biết đến thông qua các sản phẩm văn hóa, làng nghề nông thôn truyền thống: dệt dèng, thổ cẩm truyền thống, các loại rượu, sản phẩm đan lát; sản phẩm du lịch: thác A Nôr, suối nước nóng A Roàng, Hồng Hạ…; di tích lịch sử văn hóa dân tộc: Lễ A riêu Car, hát Kâr lơi, Cha chấp...

leftcenterrightdel
 Chuối già lùn, cá tầm, sâm bố chính, mật ong rừng, nếp cẩm... là những đặc sản của A Lưới để thúc đẩy khởi sự, đổi mới sáng tạo

Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế về con người, về các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên bản địa, song tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên và doanh nghiệp chưa cao. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất và nâng cao giá trị, mẫu mã sản phẩm còn hạn chế. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới hy vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các doanh nhân, doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Chủ tịch UBND huyện A Lưới cũng mong muốn huy động, kêu gọi từ ngoại lực kết hợp nội lực để khai thác tài sản trí tuệ và tiềm lực của địa phương để khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp ĐMST phù hợp tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển của A Lưới.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 

Tại diễn đàn, một số thanh niên và người mới khởi sự kinh doanh ở A Lưới bày tỏ, làm thế nào để có ý tưởng khởi nghiệp tốt và khởi nghiệp thành công, cũng như cách để tiếp cận được các công nghệ hỗ trợ khâu sản xuất, đóng gói bao bì, nhãn mác... Chị Hồ Thị Nga, thành viên HTX SX&KD Nông sản an toàn A Lưới chia sẻ, nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương, trong đó, có các sản phẩm làm từ chuối già lùn: chuối tươi, chuối sấy, kẹo chuối, bột mỳ chuối... vẫn chưa "như ý". Sản phẩm làm ra có màu sắc chưa đẹp, chưa bắt mắt so với nhiều sản phẩm ở các tỉnh thành khác mặc dù chất lượng sản phẩm không thua kém. Đây là lý do số lượng sản xuất và đầu ra tiêu thụ các sản phẩm trên chưa cao như kỳ vọng.

leftcenterrightdel
 Nhiều cá nhân ở A Lưới tham gia khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp để đưa sản phẩm địa phương phát triển thị trường tiêu thụ

Làm rõ những vấn đề trên, ông Trương Thanh Hùng, Giám đốc Điều hành FiNNO Group, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia cho rằng, việc khuyến khích và thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp ĐMST hay còn gọi startup là loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Theo ông Hùng, trước hết, mỗi thanh niên, hộ kinh doanh có ý định tham gia khởi nghiệp ĐMST cần nhận biết đâu là lợi thế và xác định được lợi thế đó là gì để tham gia khởi nghiệp, khởi sự, phát triển sản phẩm, thương hiệu... từ giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên bản địa.
Xung quanh những băn khoăn về xây dựng thương hiệu, khởi nghiệp, hỗ trợ về công nghệ... của một số thanh niên, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, TS. Hồ Thắng chia sẻ thông tin về các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của tỉnh về xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường các sản phẩm chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp... Đối với A Lưới, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng một số thương hiệu, nhãn hiệu tập thể như dệt dèng, gạo ra dư... và sắp tới là thịt bò vàng, cá tầm, nếp than, chuối già lùn, du lịch... mang thương hiệu A Lưới. Ngành KH&CN sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ từ khi mới hình thành ý tưởng, dự án khởi nghiệp ĐMST cũng như truyền thông, xúc tiến thương mại và chuyển giao, hỗ trợ về công nghệ, xây dựng nhãn hiệu, phát triển tài sản trí tuệ...

Ngoài những trao đổi, chia sẻ và hiến kế cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa huyện trong thời gian tới, một số ý kiến đề xuất huyện A Lưới cần kiến tạo môi trường thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp ĐMST, các đề án phát triển trong các ngành tiềm năng, đặt ra các bài toán để doanh nghiệp tham gia vào các ngành trọng điểm của huyện. Huy động sự vào cuộc của các thành tố của hệ sinh thái, cơ quan nhà nước, trường học, tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức ươm tạo... để hỗ trợ doanh nghiệp thu hút đầu tư, hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng thương mại trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trang thiết bị máy móc, tái cơ cấu năng lực sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG