Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công TP. Huế |
Nhận diện thực tế
Có 3 chỉ số liên quan đến CCHC, đó là: Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI); chỉ số CCHC (PAR INDEX); chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).
Theo đó, kết đánh giá, xếp hạng năm 2022 của tỉnh lần lượt như sau: Chỉ số PAPI đạt 45,38/80 điểm, xếp vị thứ 5/63 tỉnh, thành phố (giảm 2,68 điểm và giảm 4 bậc so với năm 2021); chỉ số PAR INDEX đạt 86,55/100 điểm, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố (giảm 2,77 điểm và giảm 15 bậc so với năm 2021); chỉ số SIPAS xếp thứ 40 toàn quốc (giảm 0,94 điểm, giảm 23 bậc so với năm 2021).
Đối với PAPI, từ vị thế dẫn đầu, thứ hạng của tỉnh giảm đến 4 bậc. Đáng chú ý, trong 28 nội dung thành phần, 22 nội dung có số điểm giảm và giảm bậc so với năm 2021; đặc biệt, “Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền”, có điểm số giảm nhiều nhất là 0,26; “Phúc đáp qua cổng thông tin điện tử” và “Dịch vụ làm TTHC ở cấp xã” có thứ hạng giảm nhiều nhất, lần lượt là 55 và 47 bậc.
Riêng PAR INDEX, kết quả giảm ở 3/4 nhóm tiêu chí là: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh (giảm 2,74 điểm, giảm 11 bậc); kết quả đánh giá qua khảo sát người dân, tổ chức (giảm 0,94 điểm, giảm 23 bậc); kết quả khảo sát cán bộ lãnh đạo, quản lý (giảm 0,88 điểm, giảm 8 bậc). Nguyên nhân dẫn đến thứ hạng của PAR INDEX không như mong muốn bởi mức độ hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ cơ quan hành chính Nhà nước và đánh giá của cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với công tác CCHC của tỉnh thấp nhất, đặc biệt ở 2 nhóm: lãnh đạo cấp sở, ngành và lãnh đạo các phòng thuộc sở, ngành.
Còn sự giảm điểm của chỉ số SIPASS chỉ ra rằng, nhu cầu và mong đợi của người dân đối với cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng cao hơn. Qua đó cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, điển hình như các vấn đề về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, nâng cao năng lực, trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền,…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh cho rằng: “Cán bộ mỏng là một trong nhưng nguyên nhân khiến quá trình giải quyết hồ sơ TTHC gặp trở ngại. Điển hình như từ khi sáp nhập 13 xã, phường cán bộ không được bổ sung nên việc thực hiện nhiệm vụ được giao rất khó khăn”.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Một trong những mục tiêu phát triển tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị là hướng đến xây dựng một đô thị thông minh, gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và xem đây như một công cụ hữu hiệu.
Thực tiễn của công tác CCHC tốt hay không thì sự hài lòng của người dân là một trong những “thước đo” quan trọng. Và yếu tố con người đóng vai trò quyết định, nhất là đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” - họ là những người làm việc trực tiếp với dân, nên phải xây dựng đội ngũ này có đủ trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức... Cùng với đó, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT có hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị và phục vụ cho Nhân dân tốt hơn.
“Để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả, Nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện, xây dựng bộ phận tư vấn ngay từ ban đầu để DN không phải đi lại nhiều lần. Tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực trong thực hiện TTHC; tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả. Thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC và xây dựng quy trình tiếp nhận, quy trình giải quyết TTHC để người dân, DN tiếp cận, theo dõi, thực hiện, đồng thời giám sát, đánh giá trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC”, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh nói.
Theo ông Trần Minh Long, Phó Giám Sở Nội vụ, để duy trì chỉ số CCHC, sau khi UBND tỉnh công bố kết quả đánh giá, xếp loại công tác CCHC hàng năm thì các cơ quan, đơn vị phải ban hành kế hoạch duy trì và nâng cao chỉ số CCHC của đơn vị mình trong năm tiếp theo. Trong đó, cần tập trung rà soát, phân tích những nội dung, tiêu chí bị mất điểm để rút kinh nghiệm; đồng thời đề ra giải pháp khắc phục, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để theo dõi, đôn đốc triển khai đúng lộ trình trong năm. Đổi mới phương thức chỉ đạo, nâng cao chất lượng điều hành bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá để đạt được hiệu quả thực chất, hướng đến nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại và hiệu quả, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số theo phương châm “4 không 1 có”…
Tại nhiều cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thường xuyên yêu cầu các sở, ngành, địa phương đặc biệt lưu ý đến các chỉ số có điểm số thấp; đặc biệt lưu tâm đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo công tác CCHC, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, tạo sự hài lòng, niềm tin của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính.
Mới đây tại Công văn số 7907/UBND-CCHC ngày 1/8, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh khẩn trương, quyết liệt thực hiện thống kê, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Chủ động thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC gắn với việc triển khai Đề án 06 và chương trình chuyển đổi số của tỉnh; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong việc triển khai.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm và công bố công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà; kịp thời xử lý, ngăn chặn tình trạng công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.