leftcenterrightdel
 

 

Nơi chốn ấy là vùng đất xa xôi, cách Huế nửa vòng trái đất. Nhưng có lẽ không còn khoảng cách địa lý nữa khi chạm vào những hình ảnh xanh quen thuộc của quê nhà.

“Ở đây, những ngôi nhà đều có những khoảnh vườn rộng. Người ta thường trồng cỏ và rất nhiều hoa hồng” - bạn chia sẻ.

Nhưng không gian xanh mát và dịu ngọt ấy có lẽ không khỏa lấp được nỗi nhớ quê nhà của những người con xa xứ. Nên bạn đã cất công “đem” theo cả khu vườn thân thuộc của quê nhà.

Bận rộn công việc rồi lo cho mấy đứa nhỏ, lâu lắm mình mới về Huế thăm nhà nên nhớ lắm. Nhớ đôi tay lấm lem bùn đất của mẹ. Nhớ khu vườn mỗi sáng thức dậy, nghe thoang thoảng hương thơm của ổi, của mít. Thấm đẫm trong hơi sương vị nồng của đất. Nhớ cả bát canh “râu tôm nấu với ruột bầu” đã đi vào bài học ấu thơ... Bạn thủ thỉ, trên từng tin nhắn qua điện thoại, khi bộc bạch về vườn rau trái mang dáng hình quê hương.

Chút tâm tình của bạn khiến tôi nhớ đến miền hoa trái của tôi thuở bé.

Ở đó, tháng giêng bắt đầu bằng những luống cải non lớn nhanh như thổi. Những cây bầu giống bé tí tẹo vừa được mẹ ươm trồng, một loáng đã vươn lên mơm mởn với những chiếc lá mỡ màng to như tai voi. Những nụ hoa vừa nở đâu đó, thoáng chốc đã kết trái, thoáng chốc đã lớn bổng, dài ngoằng đến chạm đất. Ở đó, tháng năm cháy vàng trên lớp da rám nắng của loài bí đỏ, mỗi quả to như chiếc thúng con. Rồi mùa thu cũng đến với một thoáng lạnh, nhuốm vàng trên những luống cải mơ hồ, lãng đãng đã qua thì con gái.

Rồi lũ chúng tôi cũng đã lớn lên từ lúc nào, cùng với bí và bầu. Ở đó, tháng năm đã được đếm bằng những mùa quả, bằng những giọt mồ hôi, bằng đôi vai mẹ mà lưng thì còng xuống, bí bầu thì lớn lên…

Khoảng trời quê hương ấy, có nỗi nhọc nhằn mang dáng hình của bão và cả những mộng mơ thiếu thời đã gửi lại qua những mùa hoa. Đó là quê hương, ký tự vào dáng hình của những đứa trẻ, ẩn vào ký ức, để đi xa thì nhớ, nhớ để lớn thành người….

Kim Oanh