Nông dân thu hoạch cà phê ởở Tanggamutt, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Báo cáo của BMI cho biết trên khắp Đông Nam Á, hiện tượng El Nino có liên quan đến lượng mưa dưới mức trung bình và nhiệt độ cao hơn, cả hai yếu tố đều làm giảm sản lượng cà phê. Đáng lưu ý, lượng mưa lớn tại Indonesia kéo dài đến quý I năm nay cũng đã gây tác động tiêu cực đến chất lượng hạt cà phê, với dự báo sản lượng cà phê robusta sẽ giảm khoảng 25%.
Sản lượng cà phê sụt giảm ở Indonesia - nơi chủ yếu sản xuất cà phê robusta, có thể khiến giá cà phê tăng cao hơn nữa, khi giá vốn dĩ đã tăng hơn 40% trong năm nay và đạt mức cao kỷ lục vào tháng 6 vừa qua.
Cà phê robusta có vị đậm và đắng hơn so với giống cà phê arabica, chứa nhiều caffein hơn và có giá thành thấp hơn arabica. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam, Indonesia và Brazil là các nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Ông Carlos Mera, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông sản tại Rabobank, cho biết đã có những dự báo rằng El Nino sẽ dẫn đến tình trạng khô hạn từ cuối năm nay đến đầu năm sau ở Indonesia, và “nếu xảy ra tình trạng khô hạn, sản lượng cà phê của Indonesia có thể giảm hơn nữa vào niên vụ 2024-2025”.
Theo Cơ quan thời tiết Indonesia (BMKG) hiện tượng El Nino - thường mang đến thời tiết khô và nóng kéo dài cho quốc gia nhiệt đới này, đã ảnh hưởng đến hơn 2/3 diện tích quốc gia, bao gồm Java và một phần của Sumatra - hai khu vực sản xuất cà phê trọng điểm.
Tuần trước, một nhà dự báo thời tiết của chính phủ Mỹ cho biết có hơn 95% khả năng El Nino sẽ chiếm ưu thế từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, làm trầm trọng thêm nguy cơ sóng nhiệt và lũ lụt ở một số quốc gia.
Điều kiện khô hạn tương phản với lượng mưa cao ở quốc gia Đông Nam Á này từ năm 2020 đến 2022 do La Nina, và mưa lớn cũng đã xảy ra trong 5 tháng đầu năm nay.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê của Indonesia niên vụ 2023-2024 được dự báo là 9,7 triệu bao 60kg, giảm so với 11,85 triệu bao niên vụ trước và thấp nhất kể từ niên vụ 2011-2012.
Phụ thuộc lượng mưa
Các đồn điền ở Sumatra và Java có nguy cơ phải gánh chịu mọi đợt hạn hán, trong khi các nhà khí tượng học dự báo El Nino sẽ tăng cường vào cuối năm nay và đầu năm sau - thời điểm quan trọng để ra hoa và hình thành hạt cà phê.
Hầu hết các đồn điền cà phê của Indonesia đều được tưới bằng nước mưa. Mối đe dọa khô hạn xảy ra tiếp sau khi khắp Sumatra và Java chứng kiến lượng mưa cao trong vài tháng qua, làm giảm sản lượng cà phê.
“Năm nay thu hoạch của tôi chỉ bằng 30% so với năm ngoái do mưa quá nhiều khiến hoa cà phê rụng sớm”, ông Peratin Buchori, một nông dân 55 tuổi ở Lampung, cực nam đảo Sumatra - hòn đảo nổi tiếng với hạt cà phê robusta, tiết lộ.
Thực tế, quá nhiều mưa trong giai đoạn ra hoa có thể khiến hoa cà phê rụng trước khi hình thành quả mọng, dẫn đến năng suất thấp hơn.
“Nguồn cung cà phê rất thấp. Cá nhân tôi cho rằng sản lượng sẽ giảm khoảng 25% so với năm ngoái”, một thương nhân cà phê ở Lampung nói với Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng nguồn cung giảm đã tạo ra tâm lý hoảng loạn mua hàng trong những tháng qua.
Sản lượng cà phê của Indonesia ước tính có thể giảm 25% so với năm ngoái do thời tiết khác nghiệt của El Nino. Ảnh: Danviet |
Hỗ trợ của chính phủ
Năng suất cà phê ở Indonesia dao động từ 0,7 - 1,0 tấn/ha, trong khi Việt Nam, nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới, sản xuất ra 2,7 tấn/ha.
Hầu như toàn bộ diện tích khoảng 1,25 triệu ha cà phê của Indonesia được chăm sóc bởi các nông hộ nhỏ, những người sử dụng các phương pháp trồng truyền thống và hạn chế sử dụng phân bón. Nhiều cây cà phê đã già cỗi, có cây trồng cách đây đã hơn chục năm.
Chính phủ Indonesia đã và đang thúc đẩy nông dân trồng lại cây, với các hỗ trợ từ việc cung cấp cây giống cà phê, trợ cấp phân bón và gia hạn các khoản vay giá rẻ. Tuy nhiên, chỉ 2% tổng diện tích trồng cà phê được trồng lại kể từ năm 2018, dữ liệu chính thức cho thấy.
“Nông dân của chúng tôi thường thiếu tập trung; họ trồng nhiều loại cây trồng khác nhau trên đất của mình, không chỉ cà phê… Họ cũng thiếu kiến thức về thực hành nông nghiệp tốt”, ông Muhammad Rizal, giám đốc bộ phận cây trồng tại Bộ Nông nghiệp Indonesia thừa nhận.
Trước thực tế đó, ông Rizal cho biết Bộ Nông nghiệp nước này đang xem xét một chương trình mới sẽ thu hút sự hợp tác của những doanh nghiệp mua hàng nhằm giúp đào tạo người trồng cà phê về các phương pháp thực hành nông nghiệp tốt nhất, đồng thời đóng vai trò là người bao tiêu, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.