leftcenterrightdel
Nhà hàng nổi Sông Hương có kiến trúc hình bông sen tượng trưng cho sự thanh tao và duyên dáng. Ảnh: Bảo Phước 

Thật may mắn tôi được làm rể của xứ Huế mộng mơ. Bố vợ tôi là ông Phan Thanh Dư, lúc đó là Giám đốc Công ty Du lịch Huế. Tôi nhắc đến ông cũng chỉ là cái cớ để nói về lịch sử một công trình đang ngự trên dòng sông Hương, đó là ngôi nhà nổi nằm ngay kề bên cầu Trường Tiền.

Tôi dám cam đoan rằng, đến 99% dân Huế không biết nơi này cách đây gần 40 năm đã ghi mốc lịch sử, được tiếp đón Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ trong ngày bắn pháo hoa 26/3, kỷ niệm 10 năm giải phóng TP. Huế. Chỉ cần sự hiện diện của các nhà lãnh đạo tối cao ở nơi này cũng đã chứng tỏ rằng ngôi nhà nổi lúc đó đã là niềm kiêu hãnh của thành phố quê ta. Hy vọng những hình ảnh quý giá có một không hai ngày ấy này vẫn còn được lưu giữ.

leftcenterrightdel
 Hiện nay, ngôi nhà nổi vẫn luôn là một đóa hoa sen trên dòng sông Hương. Ảnh: Bá Toán

Hẳn những bậc cao niên còn nhớ được hình ảnh ngôi nhà nổi khá đẹp bằng bè tre trên sông Hương từ thời Pháp thuộc của ông Bành. Chính ngôi nhà nổi này như một nét chấm phá thôi thúc Bí thư Thành ủy Huế Hoàng Lanh (cũng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên), nghĩ về một ngôi nhà nổi hiện đại hơn cũng trên dòng sông Hương này. Nghĩ là làm, và thế là gần cuối năm 1984, ông Hoàng Lanh và một số đồng chí được Thường vụ Thành ủy Huế và Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên cử ra Hà Nội gặp Thường vụ Bộ Tư lệnh Phòng không không quân (PKKQ) để xin… vỏ chứa các quả tên lửa làm hệ thống phao, sao cho giữ được ngôi nhà có thể nổi trên mặt nước. Có lẽ vì ông Hoàng Lanh xuất thân từ bộ đội nên ông hiểu được giá trị của vỏ bọc từng quả tên lửa này. Trước Thường vụ Bộ Tư lệnh PKKQ, ông Lanh đã trình bày, rằng tỉnh mong ước có được một ngôi nhà nổi đẹp rực rỡ như một đóa hoa sen thắm đỏ cài trên dòng sông Hương, rằng Bình Trị Thiên kinh tế còn eo hẹp, rằng ngành du lịch Huế đang được định hình và phát triển... Nghe vậy, khỏi suy nghĩ đắn đo, Bộ Tư lệnh PKKQ rất vui được góp phần làm đẹp dòng sông Hương và cử ngay Đại tá Trương Minh Tá là người con xứ Huế phụ trách dự án.

Thế là Đại tá Tá trở thành “kiến trúc sư” kiêm chủ nhiệm dự án. Ông Phan Thanh Dư làm một căn nhà tạm ngay dưới cầu Trường Tiền, lắp một chiếc điện thoại bàn cho chủ nhiệm Tá nghỉ tạm và điều hành công việc. Vật tư từ Bộ Tư lệnh PKKQ được chuyển vào gồm 40 vỏ tên lửa, mỗi cái dài 8 mét, đường kính gần 1 mét, rất nặng. Mỗi xe tải chỉ chở được 3 vỏ. Tỉnh Bình Trị Thiên cũng “xin” luôn hàng tấn sắt, các phụ kiện lắp ráp… Để chở được số vỏ và vật tư này cần tới hai mươi tám xe ô tô cùng hai tiểu đoàn vận tải của Bộ Tư lệnh.

Ông Tá tiến hành thăm dò dòng chảy để tìm nơi đặt nhà nổi, sao cho có bão lũ cũng không làm nhà nổi trôi đi mất. Ông Hoàng Lanh, ông Cống cho sát hạch một loạt thợ gò, hàn, rèn, nguội có tay nghề cao đến công trường. Máy móc, thiết bị được điều đến kịp thời. Trung tuần tháng 11 năm 1984 công trình chính thức được khởi công.

Không khí làm việc khẩn trương, cả khúc sông Hương dưới chân cầu Tràng Tiền trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đại tá Tá chạy vòng trong, giám đốc Dư chạy vòng ngoài, chống chọi với những cơn mưa triền miên, với những cơn gió đông trĩu nặng hơi nước sông Hương, nhiều lúc cơm nguội lạnh vì không kịp ăn… Để rồi, hơn ba tháng sau ngôi nhà nổi có hình hoa sen đã hoàn thành trong niềm hân hoan của lãnh đạo và người dân Huế. Và cũng kể từ ngày ấy đóa hoa sen đỏ thắm luôn rực sáng trên dòng Hương giang.

Hình ảnh một người đàn ông trạc tuổi gần sáu mươi tất tả trong bộ quần áo dân sự bạc màu độc đáo chỉ đạo tốp thợ làm việc không quản ngày đêm đã ghi dấu ấn tốt đẹp với lãnh đạo, cũng như người dân Huế. Người đó không ai khác ngoài Đại tá Trương Minh Tá. Nghe giọng nói sang sảng của ông, không ai nghĩ hiện ông đã chín lăm tuổi, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, nhớ vanh vách từng kỷ niệm đẹp, hào sảng dù vất vả mệt nhọc trong những ngày tháng thai nghén lên ngôi nhà nổi này.

Hỏi ông, nhà nổi giờ không thuộc về Công ty Du lịch Huế nữa, ông nghĩ sao? Ông cười, dù thuộc về ai thì nhà nổi vẫn sống mãi với sông Hương. Rồi đôi mắt của ông già trên chín mươi sáng rực lên khi nhắc đến kỷ niệm ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Lê Đức Thọ in dấu chân.

Nguyễn Quý Thường