Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra các mô hình, dự án giảm nghèo tại huyện A Lưới hồi tháng 7 |
Từ “điểm nóng” A Lưới
Không phải ngẫu nhiên mà mọi sự chú ý lúc này đều đổ dồn về phía núi, nơi hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đang sinh sống. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo tại huyện vùng cao A Lưới, xem đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Bởi, dù tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới có giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức khá cao, nguy cơ tái nghèo là điều khó tránh khỏi.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, và thực tế lãnh đạo địa phương này cũng đã nhận ra. Trong đó, khó khăn về việc thiếu tư liệu sản xuất; thị trường đầu ra sản phẩm nông nghiệp của người dân còn thấp; nhận thức và ý chí vươn lên của một bộ phận người dân vẫn chưa cao, còn mang nặng tư tưởng sản xuất truyền thống, lạc hậu…
Từ ngày mới nhậm chức, ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới đã thừa nhận điều này. Và bây giờ, ông Quảng bảo rằng, dù chuyển biến nhưng những khó khăn ít nhiều vẫn còn hiện diện.
Sự chuyển biến ở đây đó là nhiều mô hình kinh tế bước đầu mang lại hiệu quả ở A Lưới như, trồng nấm, sâm, chăn nuôi trang trại bò, lợn hữu cơ... Trong đợt giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội hồi tháng 7, các thành viên đoàn đánh giá cao sự chuyển động của địa phương này, ngoài những mô hình phát triển kinh tế, người dân A Lưới còn biết làm du lịch cộng đồng; một số sản phẩm OCOP cũng dần có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài ra, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy A lưới về công tác giảm nghèo |
Bây giờ, A Lưới vẫn thuộc một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Giảm nghèo của A Lưới là câu chuyện không chỉ riêng địa phương này.
Nhận diện được điều này, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo bền vững (GNBV), thành lập Ban chỉ đạo GNBV của tỉnh; UBND tỉnh đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo các CTMTQG giai đoạn 2021-2025; 100% UBND cấp huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG. Phương châm chỉ đạo là có sự hỗ trợ từ tuyến trên.
Lãnh đạo huyện A Lưới thông tin, năm 2022, công tác giảm nghèo bước đầu đạt những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, tương ứng 1.623 hộ, vượt 193 hộ so với kế hoạch đề ra; số hộ nghèo toàn huyện còn lại 5.399 hộ, chiếm 38,2%; số hộ cận nghèo 2.078 hộ, chiếm 14,70%.
Việc phân công các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các địa bàn, lĩnh vực để chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại cơ sở; phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức về công tác GNBV cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động GNBV tại địa phương.
“Riêng quá trình thực hiện ở A Lưới, tỉnh xác định 3 nội dung cốt lõi đó là hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật để phục vụ sản xuất; xóa nhà tạm; tạo ra sinh kế cho người dân. Các chỉ tiêu khác từng bước điều chỉnh. Hiện nay, nguồn lực phân bổ cũng tập trung cho A Lưới, nếu khó khăn, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa. Mục tiêu cuối năm 2023, A Lưới phải thoát ra khỏi huyện nghèo”, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Triển khai nhiều mô hình
Không chỉ ở A Lưới, thời gian qua, việc thực hiện tốt các nhóm chính sách đã giúp cho người nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện để tiếp nhận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao nhận thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống và lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đó là cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của UBMTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ người nghèo xóa nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất, khám, chữa bệnh, hỗ trợ học tập... với số tiền 9,884 tỷ đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp từ năm 2021 đến nay đã giúp cho 370 hộ thoát nghèo, 265 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tập trung thực hiện đồng loạt, rộng khắp,...
Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, đề án “GNBV của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025”, nhiều địa phương cũng đã có những cách làm hay và mới giúp các hộ dân thoát nghèo, điển hình như phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”; “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, mô hình “Ngôi nhà xanh”, “Biến rác thải thành tiền”, “Đổi phế liệu lấy quà tặng”…
Một số mô hình giảm nghèo cũng được nhân rộng như, nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu; nuôi lợn nái Phong Điền; sản xuất nông nghiệp tổng hợp huyện Quảng Điền; nuôi cá hồng mỹ, nuôi cá vẩu, nuôi gà thả vườn, nuôi cá nước ngọt ở huyện Phú Vang; nuôi gà trên đệm lót sinh học ở huyện Phú Lộc. Đặc biệt, phương châm “trao cần câu hơn xâu cá”, tại hai huyện Nam Đông, A Lưới đã tạo ra sinh kế hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, các phong trào thi đua giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương. Việc áp dụng dụng các hình thức, nội dung thi đua phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi ngành, địa phương, phát huy tinh thần tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện GNBV.
“Các địa phương cần gắn kết Phong trào thi đua với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, huy động, lồng ghép nguồn lực để thực hiện mục tiêu GNBV và xây dựng nông thôn mới”, ông Bình nhấn mạnh.