leftcenterrightdel
Nghề làm hương Huế thu hút khách du lịch đến tham quan 

Lưu giữ nghề truyền thống đã mang lại cả giá trị về vật chất lẫn tinh thần cho nhiều người dân và du khách đã từng đến hoặc được chiêm ngưỡng, sở hữu những sản phẩm của làng nghề ở Huế. Điều dễ thấy, các làng nghề đã giúp cho người dân định danh được thương hiệu, tạo việc làm, giúp cho nhiều lao động, gia đình có được cuộc sống ổn định, sung túc hơn qua nhiều thập niên. Ngoài giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng, các làng nghề lưu giữ và gắn với những giá trị văn hóa vùng miền.

Đơn cử như nghề kim hoàn là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Huế có từ lâu đời. Nghề này xuất phát từ làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, cách trung tâm TP. Huế khoảng 40km về hướng Đông Bắc. Nghề kim hoàn là gia công cổ truyền lại các món đồ trang sức và trang trí bằng chất liệu vàng hoặc bạc. Trong đó có ngành trơn, đậu và chạm. Trơn là gia công các sản phẩm đơn giản và không cần phải chạm trổ nhiều. Ngành đậu thường làm các hình hoa văn kỷ hà để gắn lên mặt của các sản phẩm; còn chạm là trổ các hình, hoa văn trên các sản phẩm. Từ nhiều năm qua nghề kim hoàn ở Huế được các nghệ nhân truyền nghề, lớp sau tiếp nhận vừa bảo tồn, vừa phát triển, tiếp tục tạo ra những sản phẩm mang những nét đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Hiện nay, nghề kim hoàn có mặt ở khắp các thị, thành trong nước và nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi thời kỳ đều có những nghệ nhân, thợ giỏi hết lòng giữ, truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Các làng nghề khác, như đan lát, làm tranh, đúc đồng, mộc mỹ nghệ… bằng tài năng của các nghệ nhân, thợ giỏi đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, như: bàn ghế, tượng, tranh, vật dụng trang trí trong nhà, ngoài vườn, các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng… Đặc biệt, các sản phẩm đan lát dù làm bằng vật liệu mây và tre nhưng hiện nay đã cách điệu, cách tân trở thành những sản phẩm nội thất trang trí “độc lạ” như, bàn ghế, lồng đèn… thường được các chủ nhà hàng, khách sạn yêu thích đặt hàng.

Thời gian vừa qua, ảnh hưởng đại dịch COVID-19 làm cho các làng nghề ở Huế rơi vào “nốt trầm”, nhưng các nghệ nhân và cơ sở đã cố gắng tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm để vượt qua khó khăn. Với các nghệ nhân, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống luôn là tâm nguyện lớn. Làng nghề truyền thống Huế ngoài tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân trong vùng lại còn lưu giữ những nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo được ông, cha truyền lại.

Từ nhiều năm trước, tỉnh đã có những chính sách để bảo tồn và phát triển các làng nghề. Cụ thể là hỗ trợ đào tạo nghề cho các cơ sở làng nghề, hàng năm tổ chức các cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, công nhận, tuyên dương các thợ giỏi, đề xuất Bộ Công thương xét công nhận các nghệ nhân có công lưu giữ và truyền nghề. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ các cơ sở, làng nghề truyền thống giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các kỳ Festival nghề được tổ chức 2 năm/lần; các hội nghị, triển lãm, hội chợ... không ngoài mục tiêu giúp các làng nghề mở rộng được thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước.

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống luôn được chính quyền sở tại xem trọng để góp phần phát triển kinh tế cho người dân, đồng thời lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật.

Bài, ảnh: SONG MINH