Du khách tham quan, nghe giới thiệu và tham quan vườn vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Vẫn trông chờ vào thị trường xuất khẩu
Tại phiên chất vấn, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương cho biết trách nhiệm và định hướng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hoạt động thu mua, tiêu thụ lúa gạo, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long?
Cùng tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân sản xuất ra lúa gạo vẫn nghèo, nghĩa là cây lúa không mang lại lợi nhuận đáng kể cho người sản xuất. Nguyên nhân của nghịch lý này? Những giải pháp trước mắt và lâu dài của Bộ NN&PTNT để cải thiện tình trạng này?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta đóng vai trò quan trọng, khẳng định được vị trí vững chắc trên trường quốc tế. Hiện chúng ta đã xuất khẩu trên 224 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, trong đó một số mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra, đồ gỗ đã chiếm thị phần khá lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, nền kinh tế nông nghiệp nước ta vẫn quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên hoạt động nuôi trồng diễn ra tự phát, manh mún và theo phong trào dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, do tổ chức sản xuất manh mún khiến chất lượng nông thủy sản của nước ta không đồng đều, khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Còn thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom chế biến, tiêu thụ. Thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo lợi thế vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường, điệp khúc được mùa mất giá thì vẫn cứ diễn ra. Xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, chưa có sản phẩm nông sản mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh. Phát triển thương mại nông, lâm thủy sản chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu mà chưa quan tâm đúng mức thị trường trong nước với 100 triệu người tiêu dùng và khả năng tiêu thụ các loại hàng hóa ở các phân khúc khác nhau là rất lớn.
Coi trong sản xuất theo chuỗi liên kết
Để khắc phục được tình trạng nêu trên, thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành.
Khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với những tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một chuỗi giá trị với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kể cả những thị trường truyền thống và thị trường mới còn nhiều tiềm năng; xây dựng nội dung đàm phán về mở cửa thị trường, kiểm dịch động thực vật và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam và các tiêu chuẩn hàng Việt Nam xuất đi các thị trường khác.
Đồng thời, đấu tranh hiệu quả với những hàng rào kỹ thuật thương mại bất hợp lý đối với nông sản Việt Nam để giữ vững thị trường. Theo dõi sát, phát hiện kịp thời hiện tượng gia tăng nhập khẩu đột biến để cùng trao đổi các bộ, ngành có liên quan có biện pháp phù hợp, góp phần bảo vệ chính đáng sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mặt khác, tổng hợp hỗ trợ thông tin thị trường, đăng tải công bố bản tin thị trường nông, lâm thủy sản định kỳ hằng tuần trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Hội nghị giao ban định kỳ với Thương vụ Việt Nam hàng tháng để định hướng thị trường cho các doanh nghiệp và các địa phương. Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng, tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài.
Đẩy mạnh hoạt động thu hút hợp tác đầu tư trong lĩnh vực logistics, tăng cường khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics để giảm chi phí của hàng hóa; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, áp dụng cơ chế tự chứng nhận của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.
Ngoài ra, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển qua đường biên giới, tránh buôn lậu và gian lận thương mại trong sản phẩm nông sản.
Còn đối với thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa nhà cung ứng, của nhà phân phối; tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương để thúc đẩy các địa phương tiêu thụ sản phẩm của nhau; kết nối các nhà cung ứng nguyên vật liệu với các nhà chế biến nông sản.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng và chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước và thứ 5, là chủ động làm việc với hệ thống phân phối lớn về việc hỗ trợ, tạo điều kiện, xây dựng các mô hình nông sản cho chuỗi để cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình. Cuối cùng là hỗ trợ các địa phương xây dựng đề án đẩy mạnh chuỗi cung ứng nông sản, hoạt động kết nối cung cầu hóa cả trong nước và thị trường quốc tế.
Về ý kiến của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH Bình Phước) để nhập khẩu điều nhân và điều thô sẽ ảnh hưởng nhất định đến sản xuất trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, điều đó là một thực tế. Tuy nhiên trong kinh tế thị trường thì Nhà nước, doanh nghiệp hay người sản xuất kinh doanh đều phải tuân thủ các quy luật rất khách quan đó là cung cầu, giá trị cạnh tranh và lưu thông tiền tệ.
Hiện nay, 74% hàng xuất khẩu của Việt Nam đều từ các doanh nghiệp FDI, trong khi đó, hầu hết các nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp FDI này sản xuất đều là nhập khẩu. Hạt điều cũng tương tự.
"Vì vậy, việc nhập khẩu điều nhân và điều thô để duy trì ngành chế biến hạt điều, giữ được thương hiệu, giữ được thị trường cũng là việc phải cân nhắc", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Mặt khác, cây điều, hạt điều Việt Nam với sản lượng nhỏ, chất lượng không ổn định, cũng là rào cản nhất định cho sản xuất, xuất khẩu, giữ vững thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường. Nếu như trên diện tích đó mà cây trồng khác hay vật nuôi khác hiệu quả hơn cây điều thì cũng là hướng cần phải tính.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương có vùng trồng phải quy hoạch lại để có diện tích đủ lớn và áp dụng công nghệ để có chất lượng sản phẩm ổn định, có thể xuất khẩu được; liên kết sản xuất, chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường nhập khẩu; áp dụng công nghệ, tiếp tục hỗ trợ thông tin đàm phán, mở rộng thị trường.