leftcenterrightdel
Cột điện trên đường Dương Thiệu Tước nằm trong phần lòng đường 

Có dịp đi dọc đường Dương Thiệu Tước song song với tuyến đường sắt từ gầm cầu vượt Thủy Dương lên bến xe phía nam (TP. Huế), chúng tôi khá bất ngờ bởi hơn chục trụ điện nằm chễm chệ giữa lòng đường. Theo quan sát, có những trụ điện chiếm hết 1/3 lòng đường, có cả trụ điện đôi, trên cột chằng chịt dây, thân cột đã cũ yếu. Điều này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến đường có lưu lượng người dân, công nhân qua lại đây hàng ngày rất đông.

Một người dân sống trên đường Dương Thiệu Tước cho biết, bất cập này tồn tại từ cuối năm 2020. Khi chính quyền địa phương mở rộng đường thì hàng cột điện có trước đây "bỗng dưng"… nằm ra giữa đường. Đã có khá nhiều vụ va chạm giao thông xảy ra trên tuyến đường huyết mạch này. Mới đây, có chiếc xe tải đâm vào trụ điện rất nguy hiểm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Đề nghị chính quyền địa phương và các ngành liên quan sớm có phương án di chuyển hàng cột điện này.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là những cột đường dây và hệ thống thông tin tín hiệu (TTTH) đường sắt phục vụ cho quá trình chạy tàu thuộc hệ thống đường sắt bắc – nam (không thuộc về ngành điện lực). Hệ thống cột và đường dây này có phạm vi bảo vệ được quy định tại Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cụ thể, Căn cứ theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định phạm vi bảo vệ như sau: Phạm vi bảo vệ phía trên là 2,5 mét tính từ đường dây trên cùng trở lên theo phương thẳng đứng; phạm vi bảo vệ hai bên là 2,5 mét tính từ đường dây ngoài cùng trở ra; phạm vi bảo vệ phía dưới là toàn bộ khoảng không, vùng đất, vùng nước phía dưới đường dây và tính từ đường dây ngoài cùng trở ra mỗi bên 2,5 mét.

Đối với đường dây và cột thông tin đường sắt hiện hữu đang khai thác, khi cải tạo, nâng cấp công trình vi phạm phạm vi bảo vệ, chủ đầu tư dự án phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và bảo đảm an toàn cho công trình thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện đường sắt và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thực hiện... 

Theo một lãnh đạo UBND phường Thủy Dương, đơn vị chủ quản của cột đường dây và hệ thống TTTH đường sắt này là Cục Đường sắt Việt Nam. Liên quan đến việc di dời dãy cột TTTH trên, tạo vẻ mỹ quan đô thị và giảm nguy cơ tai nạn giao thông trên đường Dương Thiệu Tước, UBND phường đã nhiều lần kiến nghị đến Cục Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được sự phúc đáp của cơ quan này.

Ông Trịnh Quang Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp TTTH đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, dãy cột và hệ thống TTTH này hiện hữu từ thời trước giải phóng - năm 1975 phục vụ chạy tàu bắc - nam. Chính quyền địa phương mở rộng đường làm lộ cột TTTH ra giữa đường mà chưa có ý kiến với đơn vị quản lý hệ thống TTTH này. Việc di dời dãy cột điện này là chưa thể vì nó ảnh hưởng đến cả hệ thống TTTH bắc – nam và phải được sự chấp thuận của Cục Đường sắt Việt Nam và cần nguồn lực lớn.

Bây giờ sự việc đã lỡ, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý là Xí nghiệp TTTH đường sắt Bình Trị Thiên cần ngồi lại với nhau bàn phương án làm sao cho hệ thống TTTH vẫn hoạt động ổn định và việc lưu thông của người dân qua đây vẫn được đảm bảo.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH