leftcenterrightdel
Các nước trong khu vực nỗ lực đảm bảo tầm nhìn ASEAN sẽ giúp khu vực phát triển toàn diện và bền vững. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Vietnam+

Kể từ khi thành lập ASEAN cách đây 55 năm, mục tiêu của khối là đối phó với những thách thức bên ngoài – đoàn kết chống lại tham vọng bá quyền của các cường quốc, tận dụng sức mạnh tập thể của khối và thúc đẩy hợp tác, hạnh phúc của người dân.

Tuy nhiên, gần đây, các thành viên ASEAN đang phải đối mặt với những tình thế tiến thoái lưỡng nan, gây ra bởi xung đột ở nước ngoài, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh kinh tế và con người của các nước thành viên ASEAN.

Trong Chiến tranh lạnh, ASEAN dù có khó khăn vẫn tồn tại. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa những siêu cường ngày nay, việc chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những hậu quả bất ngờ và không lường trước được sẽ là ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo ASEAN.

Các nhà lãnh đạo cần phải có sự chuẩn bị tốt để đưa ra phương thức hoạt động phù hợp nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực của tình trạng hỗn loạn của thế giới mới đối với Cộng đồng ASEAN.

Khi ASEAN được thành lập, Tuyên bố Bangkok tuyên bố ngắn gọn rằng các mục tiêu chính là “thúc đẩy hoà bình và ổn định khu vực thông qua tôn trọng công lý và pháp quyền” và thứ hai là “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá trong khu vực thông qua nỗ lực chung”.

Việc ASEAN có hoàn thành những mục tiêu này hay không là phụ thuộc vào “con mắt của những người quan sát”. Hầu hết các nhà phê bình sẽ đồng ý rằng khối vẫn là một chiếc cốc “đầy một nửa”, chứ không phải chiếc cốc “đã vơi một nửa”. Đó chính xác là ý tưởng đầu tiên mà lực lượng đặc nhiệm, có tên chính thức là Lực lượng Đặc nhiệm Cấp cao về Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, đang cố gắng thực hiện.

Nhìn lại, ASEAN đã trải qua một hành trình dài trong việc lập kế hoạch cho tương lai. Trước khi các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thành lập nhóm đặc nhiệm để chuẩn bị cho tầm nhìn xa hơn năm 2025, khối đã có Tầm nhìn ASEAN 2020, được thống nhất và thông qua vào năm 1997 khi ASEAN có 10 thành viên.

Các mục tiêu rất rõ ràng – Tầm nhìn được xây dựng một cách có mục đích “ASEAN là một bản hoà tấu của các quốc gia Đông Nam Á, hướng ngoại, sống trong hoà bình, ổn định và thịnh vượng, gắn kết với nhau trong quan hệ đối tác phát triển năng động và là một cộng đồng các xã hội luôn quan tâm đến nhau”.

Trong 23 năm qua, ba cột mốc quan trọng đã được hoàn thành. Nói một cách cụ thể, vào năm 2003, tại Hội nghị thượng đỉnh Bali, Thoả thuận Bali II yêu cầu thành lập cộng đồng ASEAN bao gồm 3 lĩnh vực hợp tác: chính trị và an ninh, kinh tế và văn hoá xã hội.

Để tiến xa hơn, vào năm 2007, ASEAN cũng đã nhất trí thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế cho khu vực. Kết quả là hiến chương ASEAN được thi hành từ tháng 12/2008.

Vào năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN nhận định, Cộng đồng ASEAN là một khối “gắn kết về chính trị, hội nhập kinh tế và có trách nhiệm xã hội” để đối mặt với những thách thức và cơ hội trong tương lai. Với vị thế và tầm ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của khối, tầm nhìn của ASEAN vào năm 2025 là thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN để đảm bảo rằng cộng đồng sẽ duy trì hoà bình, ổn định, sôi động, kiên cường và bền vững.

Có thể nói rằng, câu hỏi cần suy nghĩ bây giờ là ASEAN sẽ trông như thế nào vào năm 2045. Khối sẽ có thời hạn đến 12/2025 để xây dựng tầm nhìn.

Theo đó, lực lượng đặc nhiệm đã xác định các yếu tố cốt lõi của tầm nhìn mới bao gồm 3 trụ cột: điều phối và hợp lý hoá các quy trình liên quan đến chính trị/an ninh, kinh tế và văn hoá xã hội. Song, một lĩnh vực mới sẽ tập trung tranh luận của nhóm có thể là chủ đề cải cách thể chế trong sơ đồ ASEAN. Ba vấn đề chính liên quan đến điều này là làm thế nào để nâng cao năng lực của các cơ quan khác nhau của ASEAN và Tổng thư ký ASEAN để đưa ra các quy trình ra quyết định và phản ứng kịp thời, cùng với đó là cải thiện sự phối hợp liên ngành. Tương tác với các bên liên quan từ mọi tầng lớp xã hội sẽ rất quan trọng trong việc phát triển tầm nhìn lấy con người làm trung tâm và định hướng con người. Với sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức xã hội dân sự trong mọi khía cạnh của Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo và nhà soạn thảo của ASEAN phải xem xét thêm ý kiến đóng góp từ những nhân tố này. Có thể nói rằng, tất cả những nỗ lực này nhằm mục đích làm cho ASEAN trở nên linh hoạt hơn trong mọi tình huống để đối phó với những thách thức trong tương lai, bao gồm cả những thách thức có thể dự đoán được và không thể dự đoán được.

Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)