Sinh viên tham gia các khóa đào tạo KN&ĐMST do Đại học Huế tổ chức |
Thúc đẩy KN&ĐMST khu vực
Tháng 7/2018, Đại học Huế thành lập Trung tâm KN&ĐMST trực thuộc Ban Công tác học sinh sinh viên. Tháng 2/2020, nâng cấp trung tâm trở thành đơn vị trực thuộc Đại học Huế. Từ đó đến nay, đã có 22 dự án do AUF hỗ trợ (Biz Creation và EcoBoot); 3 doanh nghiệp có cổ phần từ ươm tạo (dự án Khu ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ); hơn 7 tỷ đồng vốn đầu tư được cam kết cho các dự án khởi nghiệp; hơn 200 doanh nghiệp nhận hỗ trợ đào tạo, ươm tạo, cố vấn; hơn 2.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp mới được hỗ trợ hình thành…
Năm 2019, Đại học Huế là 1 trong 3 đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thí điểm xây dựng hệ sinh thái KN&ĐMST trong trường đại học; 1 trong 3 đơn vị được phê duyệt đầu tư dự án Khu ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ đó đến nay, Đại học Huế triển khai, tiên phong trong hoạt động KN&ĐMST tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, với các hoạt động thí điểm, đào tạo, huấn luyện, kết nối và xây dựng hệ sinh thái KN&ĐMST. Qua đó, phần nào làm thay đổi nhận thức, trang bị kiến thức, tạo lập và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho khu vực…
Việc ra mắt mạng lưới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy KN&ĐMST của khu vực miền Trung - Tây Nguyên tốt hơn |
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho rằng, với định hướng là đại học sáng tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, tư duy sáng tạo, Đại học Huế đã đóng góp vào việc hình thành những tài năng, nhà lãnh đạo trẻ có khả năng thúc đẩy KN&ĐMST trong khu vực. Thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp, đem lại cơ hội hợp tác, chia sẻ kiến thức, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ, tri thức từ đại học vào thực tiễn kinh doanh. Đại học Huế cũng hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ kết nối đầu tư, tư vấn kinh doanh, các dịch vụ hỗ trợ khác. Giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, gia tăng khả năng cạnh tranh. Qua đó, xây dựng cộng đồng KN&ĐMST gắn kết các cá nhân, tổ chức có cùng đam mê, tầm nhìn về sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Qua thời gian triển khai các hoạt động KN&ĐMST, một số hạn chế được chỉ ra cần được khắc phục. Đầu tiên là chưa có quỹ hỗ trợ KN&ĐMST để hỗ trợ ý tưởng, đào tạo nghiên cứu sinh và thực tập sinh. Muốn khởi nghiệp thì thay đổi chương trình đào tạo mới, không thể theo hướng hàn lâm. Khi đã định hướng phát triển theo KN&ĐMST thì phải cùng nhau xây dựng chương trình Quốc gia. Cùng với đó là tiêu chí đo lường và đánh giá hiệu quả các hoạt động KN&ĐMST trong các trường đại học, cao đẳng và các địa phương. Cần có mạng lưới cần kết nối giữa các địa phương, đơn vị, cơ sở tốt hơn.
Kết nối bằng mạng lưới
Muốn đi xa trong KN&ĐMST thì các trường đại học phải đồng hành với nhau và tận dụng các nguồn hỗ trợ bên ngoài. Chính vì vậy, tại diễn đàn “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên” được Đại học Huế phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, mạng lưới KN&ĐMST của khu vực đã được ra mắt. Cùng với Đại học Huế, bước đầu có 5 thành viên mới tham gia vào mạng lưới KN&ĐMST các trường đại học, cao đẳng và trung miền Trung và Tây Nguyên: Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng; Trường cao đẳng Công nghiệp Huế; Trường cao đẳng Quảng Nam; Trường đại học Vinh và Trường cao đẳng Du lịch Huế.
PGS.TS. Lê Anh Phương nhấn mạnh, mạng lưới KN&ĐMST đại học, cao đẳng và trung cấp miền Trung và Tây Nguyên là mạng lưới với những hoạt động thảo luận mở nhằm phát triển hệ sinh thái KN&ĐMST khu vực, có sứ mệnh thúc đẩy hệ sinh thái KN&ĐMST của các đơn vị đại học, cao đẳng, trung cấp và đổi mới KN&ĐMST quốc gia. Tầm nhìn là trở thành mạng lưới, kiến tạo giá trị và kết nối vững chắc, với giá trị cốt lõi là kết nối tri thức chia sẻ nguồn lực và kiến tạo giá trị.
Để thúc đẩy mạng lưới KN&ĐMST khu vực, Đại học Huế và mạng lưới đã ký kết với nhiều doanh nghiệp lớn. Có thể kể đến Navigos Search, một trong hai thương hiệu nổi tiếng của Tập đoàn Navigos, cam kết hỗ trợ các trường thành viên trong việc kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng, hỗ trợ nâng cao năng lực và kỹ năng mềm cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động; ký kết với Công ty TNHH Phát triển Giáo dục & Công nghệ I&E Việt Nam. Phía doanh nghiệp cam kết tài trợ các trường thành viên trong việc thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, bao gồm triển khai một hoặc nhiều sản phẩm thuộc các phân hệ sản phẩm công nghệ, như hệ thống phần mềm quản lý hoạt động KN&ĐMST, hệ thống phần mềm khảo thí, hệ thống phần mềm quản lý công tác sinh viên và kết nối cựu sinh viên...
Ông Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng, mạng lưới KN&ĐMST các trường đại học, cao đẳng và trung cấp miền Trung và Tây Nguyên sẽ là nơi tiên phong kiến tạo sự thay đổi trong quá trình đào tạo để sinh viên ra trường có những tư duy thay đổi, từ đó tạo nên những hệ sinh thái KN&ĐMST giàu năng lượng và kết nối mạnh mẽ. Để làm được điều này, mạng lưới cần có chiến lược kế hoạch cụ thể. Trong từng năm một, từng giai đoạn thì cần có từng chỉ tiêu và đưa ra trách nhiệm của từng bên liên quan. Cần có những chính sách thúc đẩy KN&ĐMST mới, kịp thời. Hiện nay, nhận thức, khát vọng khởi nghiệp của nhiều sinh viên chưa được tốt, mạng lưới cần phát huy vai trò, khơi dậy khát vọng của sinh viên. Khi đó, các kết nối, đầu tư sẽ triển khai hiệu quả hơn.