Mô hình trồng thanh trà an toàn ở Hương Thọ |
HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Điền) được biết đến là đơn vị thành công trong mô hình sản xuất, chế biến trà rau má, bột rau má matcha. Khi thành công với mô hình này đã tạo đà cho HTX hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị với một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Mới đây, HTX liên kết với Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh sản xuất lúa chất lượng cao. HTX làm khâu trung gian hợp đồng giúp cho hộ thành viên được cung ứng đầu vào, bao gồm thóc giống, vật tư nông nghiệp theo quy trình sản xuất. Đến vụ thu hoạch, phía công ty thu mua thóc thịt với giá cao hơn 500 đồng/kg so với các loại thóc Khang dân, TH5.
Ngoài tổ chức sản xuất, HTX còn tham gia công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Từ đó, vai trò, vị trí của HTX ngày được nâng lên. Mối quan hệ giữa hộ thành viên và HTX ngày càng gắn bó, xem HTX là chỗ dựa làm đòn bẩy để phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân bình quân từ 18 triệu đồng vào năm 2010 tăng lên đến nay hơn 60 triệu đồng.
HTX Nông nghiệp Phú Hồ (Phú Vang) đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa cho bà con thành viên với giá thu mua cao hơn tư thương từ 150-200 đồng/kg, nên thu nhập của bà con được cải thiện rất nhiều so với trước đây. HTX mạnh dạn đẩy mạnh dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, máy xay xát nhằm giúp bà con thành viên tiêu thụ lượng thóc hàng hóa ngay từ đầu vụ, tránh tư thương ép giá và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.
Đến nay, HTX Nông nghiệp Phú Hồ đã xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng cao Phú Hồ để bán ra thị trường, đem lại lợi nhuận cho người dân và HTX. Trong thời gian qua, HTX liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty Lương thực tỉnh… để tiêu thụ gạo, mạnh dạn đưa nhãn hiệu gạo an toàn Phú Hồ vào siêu thị BigC Huế và được người tiêu dùng tin tưởng.
HTX Nông nghiệp Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) là một trong những HTX năng động đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh, nắm bắt nhu cầu thị trường, khai thác hiệu quả tài sản cố định để đầu tư dây chuyền xay xát lúa gạo tự động, kết hợp với việc xây dựng thương hiệu “Gạo ngon Thủy Thanh”. Mô hình máy sấy lúa và sản xuất củi trấu, dịch vụ tín dụng nội bộ, sản xuất và tiệu thụ lúa giống, quản lý kinh doanh chợ Cầu Ngói – Thủy Thanh, bãi giữ xe du lịch, tổ chức thu gom - vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn...
Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình kinh tế mới của nhiều HTX kiểu mới mang lại hiệu quả kinh tế, như HTX Nông nghiệp Điền Hòa (Phong Điền) với mô hình liên kết chăn nuôi và tiêu thụ heo thương phẩm; mô hình sản xuất giống lâm nghiệp phục sản xuất tại chỗ cho người dân của HTX Nông nghiệp Hòa Mỹ (Phong Điền). Hay HTX Mây tre đan Bao La (Quảng Điền) với trên 500 mẫu mã sản phẩm như đèn lục bình, đèn lục giác, đèn ngủ, giỏ xách tay, khay đựng trái cây... Những sản phẩm của HTX được trang trí trong các khách sạn, nhà hàng, gia đình và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. HTX Phù Bài (TX. Hương Thủy) với mô hình trồng rừng gỗ lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định...
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh đang dần dần hình thành và có chiều hướng tích cực. Các HTX đang bước đầu liên kết với các đơn vị khác đầu tư trang thiết bị, cở sở hạ tầng để giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Các HTX bước đầu tìm kiếm được thị trường đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, tránh được tình trạng tư thương ép giá, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho bà con địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn.
Nhiều HTX thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả bước đầu. Nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả được nhân rộng, đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển trên cả ba mặt diện tích, năng suất và giá trị sản xuất. Tại một số địa phương bước đầu hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp (mía, mì), vùng sản xuất cây ăn quả đặc thù (nho, táo), vùng sản xuất tập trung cây lúa hai vụ.