leftcenterrightdel
 Nhà máy ĐMT ở Phong Điền đã đi vào hoạt động

Một trong những điểm đáng chú ý của quy hoạch là dịch chuyển từ năng lượng sơ cấp (than, dầu thô, khí) sang NLTT (gió, mặt trời, thủy điện nhỏ, chất thải). Cụ thể, quy hoạch đặt mục tiêu tỷ trọng NLTT trong cơ cấu năng lượng tăng từ 15-20% năm 2030 lên khoảng 80-85% năm 2050.

Năm 2030, hình thành phát triển một số trung tâm năng lượng sạch tại Bắc bộ, Nam Trung bộ, Nam bộ. Đến năm 2050, Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu NLTT của khu vực; các địa phương có lợi thế đều có trung tâm NLTT.

Có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình NLTT khác như điện mặt trời (ĐMT), điện gió trên bờ. Phát triển năng lượng sinh khối, mặt trời tại các khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tập trung. Phát triển các loại nhiên liệu sinh học phục vụ giao thông, sản xuất điện.

Trước quy hoạch này, tháng 5/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với nội dung ưu tiên phát triển NLTT.

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu tỷ lệ điện tái tạo đạt khoảng 31-39% năm 2030 và đạt 67,5-71,5% vào năm 2050. Hàng loạt giải pháp được đưa ra trong đó có phát triển ĐMT trên mái các công trình xây dựng phục vụ nhu cầu tại chỗ. Đầu tư phát triển lưới điện phục vụ yêu cầu truyền tải và tiêu thụ NLTT. Tận dụng các nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất điện, chẳng hạn rác thải, sinh khối (mùn gỗ, bột giấy…).

Như vậy, với 2 quy hoạch liên quan đến lĩnh vực năng lượng do Chính phủ ký ban hành trong tháng 5 và 7/2023 đều ưu tiên phát triển NLTT. Điều này cho thấy quyết tâm, chiến lược của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với quốc tế về: Giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải mê-tan toàn cầu, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch…; đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Thừa Thiên Huế đã hội đủ các yếu tố phát triển thủy điện, điện gió, mặt trời bởi có bờ biển dài, nhiều giờ nắng, tốc độ gió ổn định, diện tích mặt nước rộng… sớm trở thành trung tâm năng lượng khu vực.

Hiện, hai nhà máy ĐMT đưa vào vận hành (nhà máy Phong Điền và Phong Điền 2) từ năm 2019, đạt sản lượng 68,37 triệu kWh/năm, vượt sản lượng thiết kế hơn 151%. Bên cạnh đó, tỉnh đã dành 340ha đất tại huyện Phong Điền để phát triển ĐMT. Hiện nay có 1 dự án đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh với công suất 50MWp (Phong Hòa, Phong Điền) và 6 dự án cũng nằm trên địa bàn huyện Phong Điền đã đề nghị Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 375,8MWp; UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Công thương bổ sung quy hoạch 3 dự án ĐMT mặt nước (Cầu Hai, Tam Giang, Tam Giang mở rộng), tổng công suất 2.500MWp; đồng thời đã quy hoạch 350ha tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để phát triển điện khí LNG...

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, hiện nay Sở đang tham mưu với UBND tỉnh phát triển ngành công nghiệp bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, xây dựng các chính sách ưu đãi trong phát triển NLTT; khảo sát, đánh giá tiềm năng (điện mặt trời, mặt nước, điện gió...), từ đó có cơ sở để đầu tư, bổ sung vào nguồn năng lượng quốc gia, xây dựng nền công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Bài, ảnh: MINH HOÀI