Xanh Homestay (Dương Hòa) - một trong những địa điểm thu hút đông du khách đến trải nghiệm, lưu trú |
Năm 2019, ngay sau khi Nghị quyết 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành về chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển du lịch, Hương Thủy đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đến tận cơ sở. Nhưng cũng từ thời điểm này đến những năm tiếp theo, tác động tiêu cực của COVID-19 đã khiến du lịch nói chung, du lịch Hương Thủy nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề. Để phục hồi nền du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, từ năm 2020 đến nay, Hương Thủy đã hỗ trợ xây mới 5 cơ sở homestay, nâng cấp 1 homestay, 5 sản phẩm trải nghiệm, đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng, tập huấn kỹ năng làm du lịch, dịch vụ… với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng
Từ những hỗ trợ, đầu tư của chính quyền đã tạo nên sự hào hứng, quyết tâm gắn bó, phát triển du lịch cộng đồng của người dân, một số homestay, địa chỉ trải nghiệm: Xanh Homestay, Homestay XuKa, Homestay dược liệu Thông Xanh, Vân Thê Gaden… ở Thủy Thanh, Dương Hòa ngày càng hoàn thiện cả về hình thức, chất lượng, thu hút đông đảo khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, Vân Thê Gaden tạo được nhiều ấn tượng với du khách trong nước, quốc tế, được các đơn vị lữ hành đánh giá cao.
Khoảng 2 năm trở lại, du lịch cộng đồng Hương Thủy đã có những thay đổi, phát triển rõ rệt khi xuất hiện nhiều mô hình, sản phẩm du lịch sáng tạo liên quan đến nông nghiệp, nghề truyền thống…, thu hút du khách và cả học sinh tham quan, trải nghiệm. Qua đó, tăng nguồn thu thực tế cho các hộ dân, giải quyết cho hơn 120 lao động trên địa bàn có thu nhập ổn định.
Theo bà Cái Thị Duyên, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin TX. Hương Thủy, với tôn chỉ phát huy sức mạnh, ý chí của cộng đồng đi kèm những định hướng, quy hoạch rõ ràng trong phát triển du lịch cộng đồng, hiện, UBND TX. Hương Thủy đã và tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương khảo sát thực tế, xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng những năm tiếp theo.
Thực tế cho thấy, du lịch Hương Thủy vẫn đang đối mặt với một số tồn tại, như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; tiềm năng thiên nhiên hạn chế so với các địa phương khác; một số điểm du lịch có tiềm năng nhưng chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư khai thác chuyên nghiệp, bài bản; sát TP. Huế nên số lượt khách đến lưu trú ít, chưa kích thích hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng - loại hình du lịch có nguồn thu nhập cao - phát triển như mong đợi…
Bà Cái Thị Duyên cho hay, để giải quyết tồn tại trên, Hương Thủy đã và đang kết hợp nhiều giải pháp dựa trên 3 yếu tố: quy hoạch, đầu tư và vận hành. Trong đó, thực hiện nghiêm công tác quy hoạch, đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch; tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, trùng tu di tích và đặc biệt chú trọng khâu vận hành quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, sẽ đầu tư xây mới thêm một số homestay, sản phẩm trải nghiệm, nghề truyền thống... với tiêu chí mới, lạ để tăng tính trải nghiệm, thụ hưởng cho du khách; tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch bài bản; đầu tư cơ sở hạ tầng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn; tạo điều kiện cho các hộ làm du lịch đi học tập mô hình của địa phương bạn; kết nối với các đơn vị lữ hành để giới thiệu, xúc tiến, quảng bá du lịch Hương Thủy với bạn bè trong nước, quốc tế.