Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, người đặc biệt nặng lòng với hệ thống di sản Cố đô đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi xung quanh vấn đề này.
Đến bây giờ, ông nhìn nhận như thế nào về những thành quả của Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế?
Sau 1945 đến nay, lãnh đạo chính quyền qua các thời kỳ ai cũng thấy việc người dân sinh sống tại khu vực Thượng thành, Eo Bầu sẽ ảnh hưởng lớn; thậm chí, làm hỏng hệ thống kinh thành mang dấu ấn lịch sử tại Huế. Tuy nhiên, việc đưa hàng vạn người dân rời khỏi Kinh thành là điều rất khó, không chỉ cần kinh phí lớn mà cần một chính sách phù hợp. Bởi lẽ, nhiều người dân sống ở khu vực đó đã có sổ đỏ, có người vì chiến tranh, phục vụ chiến đấu phải sinh sống ở đó.
Tuyến đi bộ Thượng thành hứa hẹn hấp dẫn du khách. Ảnh: Bảo Minh |
Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế đang ở giai đoạn đầu. Nhờ một chính sách rất mềm, rất mỏng, tỉnh đã làm được. Thành quả rất đáng tự hào, bởi hiếm có nơi nào có thể thực hiện được. Tôi có thể dẫn chứng, tại tỉnh Khánh Hòa, có một hệ thống thành có quy mô nhỏ ở huyện Diên Khánh, nơi đó có vài trăm hộ dân nhưng việc giải tỏa để trả lại nguyên trạng di tích này rất khó khăn. Với Thừa Thiên Huế, đây là cột mốc lịch sử.
Với hiện trạng bây giờ, ông nghĩ sao về những giá trị lịch sử đang hiện hữu?
Đây là di tích rất đặc biệt và rất may mắn, Huế được Chính phủ đồng ý, hỗ trợ, tạo điều kiện để thực hiện dự án, trả lại không gian vốn có cho lịch sử. Đây là điều kiện, nền tảng để Huế phát triển.
Dù Thừa Thiên Huế có trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hay không thì người ta vẫn ghi nhận đây là một trong nhưng di tích nổi bật của khu vực Đông Nam Á, thậm chí khu vực Đông Á. Theo tôi, hiện nay, trên thế giới không còn hệ thống kinh thành nào có quy mô lớn như ở Huế bởi tính nguyên vẹn. Hệ thống này chỉ bị lấn chiếm chứ không bị phá vỡ, không trở thành phế tích.
Việc nối các tuyến ở Thượng thành giúp người dân, du khách có thêm nhiều trải nghiệm |
Hệ thống Kinh thành Huế không đơn điệu mà có Kỳ đài, 10 cửa ra vào trên đường bộ, 2 cửa ra vào trên đường sông. Lối kiến trúc đi liền với công trình này rất vĩ đại. Một dạng kiến trúc quy mô lớn xen vào đó là nhiều hình thái kiến trúc độc đáo, được tổ chức thành 24 pháo đài. Trên đó, tính chất phòng thủ của một kinh đô thế kỷ XIX hiển thị rất độc đáo. Hiện nay, vẫn tồn tại 240 pháo nhãn và một pháo đài hệ thống đường vận binh… Người ta nhìn nhận Kỳ đài Huế là kỳ đài lớn nhất thế giới với kiến trúc rất độc đáo.
Khi xã hội phát triển, chiến tranh không còn mang tính truyền thống, hệ thống kinh thành không còn đủ năng lực tổ chức bảo vệ. Tuy nhiên, nếu đặt vào thế kỷ XIX thì đó là hệ thống kinh thành vừa mang vẻ đẹp kiến trúc, tính bề thế về đô thị, khả năng phòng thủ toàn diện với thành, hào và lũy. Hệ thống này khá độc đáo, nhất là yếu tố vận binh.
Đằng sau câu chuyện di dời, giải tỏa để trả lại hiện trạng cho di tích, bước tiếp theo nên làm gì, thưa ông?
Tôi cho rằng, cần tổ chức lại không gian để phát huy tính hiệu quả của hệ thống này trong thực tiễn hiện nay. Tôi có thể ví dụ, khu vực những hỏa dược pháo trưng bày thêm những đạn pháo ngày xưa; pháo nhãn thì khôi phục lại những sân pháo; trên những đường vận binh có thể có những mẫu pháo kéo… Tất cả đều hướng đến mục tiêu tạo thành những sản phẩm du lịch.
Điều quan trọng đó là giai đoạn tiếp theo sau khi giải tỏa, di dời cần có một dự án mang tính tổng thể, cụ thể là hướng đến việc tiếp tục tu bổ và phát huy giá trị văn hóa. Rất nhiều điều có thể góp ý cho dự án này, ví dụ như các cơ quan liên quan có thể tổ chức lại đường đi dạo ngay trên thành để người dân cảm thấy hào hứng. Đứng trên đó nhìn tổng thể Đại Nội Huế quả là trải nghiệm thú vị… Điều quan trọng nhất là làm thế nào để du khách cảm nhận và có những trải nghiệm mới, thú vị và hấp dẫn.
Nếu hệ thống kinh thành được tu sửa, không gian phòng thành phía ngoài vẫn đủ cho người dân trải nghiệm. Chúng ta có thể tạo ra những tuyến xe ngựa dạo phòng thành, có sản phẩm để du khách cảm nhận được những di tích này chính là lịch sử nguồn cội. Mặc dù vậy, triển khai bất cứ điều gì cần quan tâm đến thị hiếu của du khách, đó là điều quan trọng trước khi tìm ra hướng phát triển mới.
Bây giờ, điều quan trọng là cần khôi phục hiện trạng, bởi mọi thứ không thể triển khai cùng một lúc.
Quả thực cần thời gian để chính quyền tạo ra những giá trị mới trên nền tảng vốn có. Phải chăng, trong quá khứ, vấn đề này chưa nhìn nhận thấu đáo?
Đúng vậy, Huế đã bị tụt hậu quá lâu. Phải thừa nhận rằng, một thời gian dài, chúng ta tự ti khi so sánh với các địa phương lân cận, điều đó tạo ra lực cản trong câu chuyện định hình hướng phát triển.
Khi chính quyền nhận thức được cần khôi phục vị thế của di sản Huế đã kích thích được người dân cùng tham gia, từ đó góp phần tạo ra các giá trị. Tôi cho rằng, những chuyển biến gần đây đang ở mức tiệm tiến trong điều kiện nguồn lực còn rất khiêm nhường. Huế dường như chỉ mới "rửa mặt" chứ chưa có "bộ trang phục" mới. Do vậy, cần có sự đột phá hơn nữa.
Nhiều người bảo, Huế mãi nghèo trên di sản. Vậy bên cạnh công tác bảo tồn di sản, điều gì quan trọng nhất lúc này để hoàn thành mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thưa ông?
Phải phát triển kinh tế! Những thành tựu của Huế bây giờ là kết quả của một kinh đô xưa, lúc ấy mọi nguồn lực đều tập trung về Huế. Bây giờ, Huế phải nỗ lực, phải giàu!
“Phú quý sinh lễ nghĩa”, để làm được điều đó, tỉnh phải rất nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư, phát triển đô thị và nhiều hướng khác. Điều quan trọng lúc này cần giảm được nghèo, nhất là đưa A Lưới thoát ra khỏi huyện nghèo của Việt Nam. Tỉnh có thể không bỏ ra 400 tỷ đồng để miễn phí học phí cho học sinh như Đà Nẵng, nhưng hoàn toàn có thể huy động, tập trung nguồn lực hỗ trợ huyện A Lưới.
Thực ra, di sản ở Huế không phải là của Huế mà là cả quốc gia, song vẫn chưa có một chính sách riêng biệt nào cho hệ thống di sản này. Do vậy, tỉnh cần tận dụng, nắm bắt thời cơ, bởi lẽ mục tiêu trực thuộc Trung ương đã từng bị vuột khỏi tầm tay trong quá khứ.
Xin cảm ơn ông!