leftcenterrightdel
 Ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm, lưu dấu nhiều thế hệ

Sau khi ông bà nội mất, cha và các chú ở quê thống nhất vẫn giữ lại vẹn nguyên ngôi nhà của ông bà. Ngôi nhà nhìn ra con đường liên xã rộn ràng xe cộ và phía sau là tiếp nối lần lượt nhà của 3 chú, kéo dài đến tận chân núi. Đây vốn là ngôi nhà được ông bà nội cho cha mẹ tôi để ra riêng trước khi thoát ly. Hồi ấy, các chú đều chưa ai lấy vợ. Sau cha mẹ xa quê rồi, các chú cũng lần lượt lấy vợ, nhưng tuyệt nhiên ông bà nội chỉ cắt đất vườn chia cho các chú làm nhà ra riêng và nội luôn thủ thỉ với các chú: Nhà này cha mẹ còn giữ cho anh cả, để mỗi lần về quê, vợ chồng con cái anh cả còn có nơi, có chốn mà ngủ.

Nhà của ông bà nội là nơi chị em chúng tôi lớn lên, là nơi mà mỗi mùa hè chị em tôi háo hức đếm ngược từng ngày để về. Ở đó, nơi bức vách gỗ nâu trầm ngăn phòng khách và nhà trong, ông nội dán kín giấy khen của tất thảy những đứa cháu của ông. Ông bảo, để đứa được khen rồi nhìn vào đó vui vẻ mà tiếp tục cố gắng, còn đứa chưa được khen cũng nhìn vào đó để phấn đấu, để không thua chị kém em… Sát bức vách ấy, ông nội kê một cái bàn thiệt to làm bàn học cho o Sáu, chú Bảy, chú Út và chị tôi. Sau thì đến lượt tôi và những đứa em cuối 8X nối tiếp. Ngày ấy, ông nội chẳng la mắng bao giờ nhưng cứ sau buổi cơm tối một chút, ai nấy đều răm rắp vào đúng ghế, đúng vị trí của mình để học bài. Ông cũng không ngồi kè kè một bên, nhưng cứ hễ đứa nào ngủ gật là y như rằng có tiếng dép rẹt xẹt của ông cố tình khua dưới nền nhà, hay ông đến bên gõ gõ nơi góc bàn có đứa con, đứa cháu nào đó đang nghểnh đầu chểnh mảng... Cứ vậy, chị em chúng tôi lớn lên cùng nhau bên ông bà, trong ngôi nhà của ông bà và hầu như ở với ông bà nhiều hơn với cha mẹ.

Nay, ngôi nhà ấy được cha và các chú thống nhất cũng giữ như khi ông bà vẫn còn. Chỉ khác là gia cố lại tường, thay lớp ngói, nâng cao nền nhà, lát gạch men hoa sáng láng. Nơi ấy là nơi thờ tự tổ tiên và ông bà nội, và cũng là nơi tụ họp của tất thảy con cháu trong gia đình mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết hay khi có người xa quê trở về. Ở đó, còn có gốc nhãn già đứng chân từ hồi giải phóng, ông nội trồng để ghi nhớ ngày bà sinh chú Bảy và có cả gốc sa-pu-chê cũng già không thua kém, được ông trồng để ghi nhớ năm cha đậu một trường đại học ở Hà Nội.

Thương không gian ngọt ngào ấy, khi sửa chữa, gia cố cho ngôi nhà, cả cha và các chú đều cố giữ lại những gì đã từng gắn bó với ông bà nội, từ những cái cột, cái kèo, cái sập gỗ trước ban thờ, cái tủ làm vách ngăn, bàn nước, cái giường hộp và cả cái ô bếp củi có cái ống thổi, cái gác nho nhỏ bên trên. Cái bếp củi ấy, mỗi lần về quê, vào cuối ngày hoặc sáng sớm, cha đều nhắc chúng tôi đốt lửa, bắc lên đó ấm nước để nhà ấm hơi lửa, hơi người và khói tỏa lên tận nhà trên… Trong làn khói vờn bay quẩn quanh ấy, tôi thấy ông bà mình chưa từng chia xa và mình cũng chưa từng chia xa nơi này. Khoảnh khắc ấy, lại thấy mình thật may mắn và những ai đó cũng thật may mắn khi giữa bao ngả đường xuôi ngược, bươn chải, bản thân vẫn còn nơi để trở về - một sự trở về của cả thân thể hiện hữu và ký ức thanh xuân dịu dàng.

Bài: Đồng Văn - Ảnh: Vinh Phong (VnExpress)