Bóng đã qua vạch vôi sau cú sút của Hurtig (Thụy Điển) trước khi bị thủ môn Alyssa Naeher (Mỹ) đẩy ra. Ảnh: Foxsports |
Khi mà thắng thua chỉ được tính mm, đặc biệt trong những trận cầu “nốc ao” mang ý nghĩa quyết định thành bại của cả một giải đấu phải 4 năm mới có một lần, thì liền sau đó là những tranh luận và cả cãi vã kéo dài. Thế nhưng, quyết định đến từ VAR về kết quả của trận đấu trên đã thực sự làm cho cả bên thắng lẫn bên thua “tâm phục, khẩu phục”. Trang Fox Sports của Mỹ sau trận đấu chỉ đưa ra lời bình: “Quả phạt đền quyết định của Thụy Điển chỉ đưa bóng qua vạch vôi 1mm dù thủ môn Alyssa Naeher đã nỗ lực hết sức để thực hiện thêm một pha cứu thua khó tin”.
Công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) không còn xa lạ. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên ở một giải đấu chính thức của FIFA, trọng tài chính sẽ xem lại VAR và sau đó giải thích quyết định với người xem. “Lời giải thích sẽ ngắn gọn, để mọi người dễ nắm bắt và hiểu được, vì đa số các trọng tài có trình độ tiếng Anh không giống nhau”, Chủ tịch Ủy ban trọng tài FIFA Pierluigi Collina chia sẻ. Cũng lần đầu tiên tại một kỳ World Cup nữ, trái bóng chính thức của giải đấu được trang bị bộ cảm biến thông minh, cung cấp toàn diện về mọi chuyển động của trái bóng và gửi về phòng VAR.
Đôi khi cũng không thật dễ dàng. Ví như tình huống ở phút 70, Jennifer Hermoso nâng tỷ số lên 4-0 cho Tây Ban Nha trong cuộc đọ sức với Zambia. Sai lầm hy hữu đã xảy ra khi trọng tài chính Oh Hyeon Jeong xác nhận việt vị. Tổ trọng tài VAR quyết định đưa ra tư vấn. Trọng tài Oh xem lại và thông báo công nhận bàn thắng cho Hermoso. Cũng trong trận đấu này, trọng tài Oh Hyeon Jeong còn tham khảo công nghệ VAR thêm 2 lần. Cô công nhận bàn thắng của Redondo trong hiệp 2 và tước đi một bàn thắng khác của chính Hermoso trong hiệp 1.
Áp dụng VAR vào các giải đấu như World Cup nữ 2023 tạo nhiều quan điểm trái chiều. Ngay tại World Cup 2022, BLV Quang Huy nhận xét: “Yếu tố con người mà ở đây là quyết định của trọng tài phải cao hơn sự can thiệp của máy móc thì trận đấu mới hấp dẫn, thú vị. Thật nhàm chán nếu tất cả các tình huống đều được quyết định bởi máy móc. Đấy là chưa kể người hâm mộ có quyền nghi ngờ về việc các hacker can thiệp vào máy móc để thao túng kết quả trận đấu”.
Nhiều người ủng hộ sự góp mặt của công nghệ mang đến sự công bằng, minh bạch hơn, nhưng cũng không ít người nhận định VAR phá hỏng bóng đá, làm giảm sự hấp dẫn của trận đấu. Vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược, song điều có thể cảm nhận được là, ngay tại World Cup nữ 2023 này, trước một bàn thắng được ghi hay một tình huống phạm lỗi nguy hiểm và nhạy cảm chưa được cảm nhận đầy đủ, mọi ánh mắt đều cùng hướng về phòng VAR để chờ được phân xử.