leftcenterrightdel
 Các loại thịt được bày bán trong một khu chợ ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo đó, để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, mọi quốc gia đều có vai trò. Việc đạt được mục tiêu đầy tham vọng của hiệp định sẽ yêu cầu các quốc gia hợp tác tăng cường quy mô của một loạt các giải pháp khí hậu phức tạp, từ năng lượng tái tạo cho đến xe điện.

Tuy nhiên, ngay cả khi châu Á nỗ lực để chuyển đổi sang việc sản xuất và vận chuyển năng lượng bền vững hơn, nhiều quốc gia vẫn sẽ không thể đạt được các mục tiêu khí hậu quốc gia, trừ khi họ giải quyết được nguồn phát thải đặc biệt nguy hiểm, đó là cách mà họ sản xuất thịt.

Cũng theo Giám đốc Truyền thông Cấp cao tại tổ chức tư vấn tập trung vào các loại protein thay thế có trụ sở tại Singapore, các nguyên tắc cơ bản về dấu vết sinh thái to lớn của thịt đã được ghi chép một cách đầy đủ.

Cần sự chuyển đổi

Chăn nuôi công nghiệp chiếm tới 20% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), một con gà cần được cho ăn 9 calo đậu nành và các loại cây trồng khác để tạo ra 1 calo thịt ăn được. Sự kém hiệu quả này còn là vấn đề kép, bởi một phần đáng kể đậu nành làm thức ăn cho gia súc chăn nuôi ở châu Á được nhập khẩu từ Brazil, Argentina và Paraguay, trực tiếp thúc đẩy nạn phá rừng mà Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và hơn 100 quốc gia khác đã công khai cam kết để chấm dứt trong 7 năm tới.

Được biết, Sáng kiến Mục tiêu dựa trên Khoa học (SBTI), một quan hệ hợp tác giữa Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (UNGC), Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về môi trường CDP hồi năm ngoái đã đưa ra các mục tiêu giảm phát thải từ lâm nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động khác ở những quốc gia khác nhau, nhằm hỗ trợ mục tiêu 1,5 độ C.

Tiếp đó, Asia Research & Engagement (ARE), một nhóm có trụ sở tại Singapore chuyên thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững giữa các nhà đầu tư tổ chức và các công ty niêm yết trong khu vực, đã áp dụng các mục tiêu này để tính toán mức độ mà các quốc gia châu Á sẽ phải đa dạng hóa thành những loại protein thay thế để đạt được mục tiêu khí hậu nói trên.

ARE xác định, hệ thống protein khử carbon của châu Á sẽ yêu cầu hoạt động sản xuất chăn nuôi công nghiệp đạt đỉnh không muộn hơn năm 2030, đồng thời đẩy mạnh phát triển các loại protein thay thế như thịt, sữa và trứng làm từ thực vật, vi sinh vật và tế bào động vật nuôi cấy. Các loại protein thay thế sẽ cần chiếm hơn một nửa tổng sản lượng protein tính theo khối lượng vào năm 2060.

Tỷ lệ và mức độ chuyển đổi cụ thể sẽ khác nhau tùy theo quốc gia. Chẳng hạn như, Hàn Quốc sẽ cần ngừng tăng trưởng sản xuất chăn nuôi công nghiệp và phá rừng ngay vào năm 2025 để đạt được các mục tiêu khử carbon của quốc gia này.

Trong khi đó, Trung Quốc đứng trước một thách thức lớn, do quốc gia này vừa là nhà sản xuất thịt hàng đầu, vừa là thị trường thịt lớn nhất thế giới. Sự phụ thuộc vào chăn nuôi công nghiệp này đồng nghĩa rằng, việc chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tập trung vào các loại protein thay thế sẽ đòi hỏi tái cấu trúc cơ bản một trong những ngành kinh tế lớn nhất của quốc gia.

Những bước tiến quan trọng

Ông Ryan Huling lưu ý, điều cần thiết là một loạt các nguồn protein đa dạng cần được tinh chỉnh và nhân rộng trong thời gian ngắn bởi các nhà khoa học và nhà sản xuất hàng đầu châu Á.

Có thể thấy, Singapore đã dành nhiều năm để khẳng định đây là quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu protein thay thế và tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Tập đoàn đầu tư nhà nước Temasek ước tính đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào việc thúc đẩy sự phát triển của protein thay thế. Năm ngoái, một liên doanh giữa Temasek và Cremer của Đức đã mở cửa một nhà máy sản xuất protein từ thực vật ở Singapore.

Tương tự, trong tuyên bố chính sách nông nghiệp thường niên của Trung Quốc năm nay, Bắc Kinh đã kêu gọi xây dựng “một hệ thống cung cấp thực phẩm đa dạng, bao gồm sự phát triển đồng thời của thực vật, động vật và vi sinh vật”.

Đây là những bước phát triển quan trọng; song, để đáp ứng những thách thức do nhu cầu lương thực tăng vọt và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt của châu Á, cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển protein thay thế, cũng như cơ sở hạ tầng.

Chỉ tính riêng ở Trung Quốc, phân tích của ARE cho thấy, việc chuyển đổi nguồn cung protein của quốc gia này sang mức độ cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu của Bắc Kinh sẽ cần khoảng 730 tỷ USD đầu tư vốn trong giai đoạn 2020 - 2060. Trong khi đó, đầu tư quy mô lớn tương tự sẽ cần thiết ở Indonesia, Việt Nam, Malaysia và các quốc gia khác, nơi tiêu thụ thịt đang gia tăng.

Giống như trong tất cả những yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu, không một quốc gia, khu vực hay lục địa riêng lẻ nào có thể tự mình khắc phục các vấn đề của thế giới, nhưng thực tế vẫn cho thấy việc nâng cấp nguồn cung lương thực của châu Á thông qua các loại protein thay thế là một phần quyết định duy nhất trong lộ trình để duy trì sự nóng lên toàn cầu dưới mức 1,5 độ C.

Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asia)