leftcenterrightdel
 Nghệ nhân tác nghiệp tại Trại sáng tác điêu khắc truyền thống dân tộc Cơ Tu lần thứ I

Những nỗ lực

Cuối tháng 7 vừa qua, Trại sáng tác điêu khắc truyền thống dân tộc Cơ Tu lần thứ I năm 2023, do UBND huyện Nam Đông tổ chức đã bế mạc sau gần 10 ngày diễn ra. Lần đầu tổ chức, nhưng Trại sáng tác đã thu hút gần 40 tác giả là các điêu khắc gia, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh tham gia. Bằng tài năng, tâm huyết, các nghệ nhân đã sáng tác 143 tác phẩm, chủ yếu xoay quanh về cuộc sống, con người, kiến trúc, lễ hội truyền thống… của dân tộc Cơ Tu.

Có mặt Chợ phiên Nam Đông diễn ra vào dịp cuối tuần trong thời gian diễn ra trại sáng tác, đông đảo du khách hào hứng khi được xem các nghệ nhân trình diễn. Chị Nguyễn Thị Thu, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đây là trải nghiệm mới mẻ giúp bản thân hiểu rõ hơn về văn hóa của bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu. Khu vực chợ phiên cũng gây ấn tượng mạnh với du khách khi khắc họa được bản sắc văn hóa và lối sinh hoạt độc đáo của người dân bản địa.

Còn với anh Hồ Văn Tôi, bản thân cảm thấy rất tự hào khi các đặc trưng văn hóa của người dân Cơ Tu được nhiều nghệ nhân khắc họa một cách sinh động qua các tác phẩm nghệ thuật.

Thời gian qua, huyện Nam Đông đã có nhiều nỗ lực nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu, như: Tổ chức sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn các loại văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc bản địa; xây dựng các mô hình làng, bản, thôn văn hóa truyền thống; tổ chức liên hoan gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa. Sưu tầm, phân loại các loại hình di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu như nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc), tri thức dân gian, các nghề thủ công, các lễ hội và phong tục tập quán, chữ viết và ngôn ngữ của dân tộc Cơ Tu. Huyện tổ chức 9 lớp truyền dạy cồng chiêng, đan lát, dệt zèng, sản phẩm hàng lưu niệm từ mây tre… cho 230 học viên; phục dựng 3 nhà Gươl của người Cơ Tu; sưu tầm những hiện vật, phong tục, tập quán, điệu nhạc, lời ca của đồng bào dân tộc Cơ Tu như: Hát lý, nói lý, điệu múa Tântung-Zazã, đánh cồng chiêng, mừng lúa mới, vào nhà mới, Bhơnooch, Babooch, Cha chấp, Kalới; tổ chức các lễ hội tiêu biểu và dàn dựng, biểu diễn các điệu hát - múa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc.

Cần kế hoạch dài hơi

Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Hiện nay, số lượng các nhà Dài, nhà Gươl, nhà mồ ngày càng ít, kiến trúc không còn nguyên bản. Nguyên, vật liệu ngày một khan hiếm, nghệ nhân am hiểu về kiến trúc truyền thống càng ít dần, thế hệ tuổi trẻ ít am hiểu và có nguy cơ mai một, thất truyền. Công tác sưu tầm và trưng bày sản phẩm vật thể (công cụ lao động, nhạc cụ, trang phục, hiện vật lịch sử…) cũng chưa được quan tâm đầu tư. Trang phục truyền thống chưa được sử dụng thường xuyên trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức nhưng quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, không mang tính cộng đồng như nguyên bản. Các thể loại dân ca, nhạc cụ, truyện cổ, ca dao, tục ngữ, câu đố, nghi lễ truyền thống... được lưu giữ chủ yếu trong trí nhớ và truyền miệng ở các nghệ nhân lớn tuổi, chưa được khai thác, lưu giữ thành dữ liệu để lưu lại cho thế hệ sau.

Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Đông, chính quyền địa phương đã, đang và sẽ tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện công tác bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu. Trong đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu. Đây chính là điểm then chốt khi chính những người dân bản địa đóng vai trò trung tâm trong công tác bản tồn và phát huy văn hóa bản địa.

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nam Đông cũng đề xuất một số phương án, như: tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống sẽ hiệu quả hơn nếu người dân tộc thiểu số có ý thức tự giác bảo tồn văn hóa của cộng đồng họ. Để làm được điều này, trước tiên cần có những người hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân gian của dân tộc Cơ Tu để làm công tác khảo sát, nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, cần khôi phục lại các lễ hội truyền thống tiêu biểu, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa thiên Huế” và “Kỹ thuật tạc tượng và dựng Gươl của đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế”; tổ chức không gian văn hóa cồng chiêng, mở các lớp truyền dạy và diễn tấu các nhạc cụ truyền thống, các điệu múa, nói lý, hát lý, ẩm thực, đan lát, điêu khắc, dệt zèng… tại cộng đồng, do chính các nghệ nhân am hiểu truyền dạy. Đồng thời, cần động viên bà con tự tổ chức ngày hội, lễ hội của dân tộc mình, của địa phương mình để dần trở thành hoạt động thường niên cho cả cộng đồng, nhằm phát huy giá trị các loại hình văn hóa dân gian truyền thống.

Bài, ảnh: Minh Nguyên