leftcenterrightdel
 Đầu ra cho cây ớt còn bấp bênh

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa (TP. Huế) chia sẻ, nợ nần của nhiều năm trước để lại khiến HTX mất nhiều thời gian khắc phục, gây nhiều khó khăn trong đầu tư thúc đẩy phát triển HTX. Mới đây, HTX liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu gạo đỏ hữu cơ nhưng không hiệu quả. Hợp đồng với doanh nghiệp thiếu chặt chẽ nên khi gặp sự cố về thị trường tiêu thụ khó khăn, doanh nghiệp không thu mua, hoặc thu mua lượng sản phẩm hạn chế so với hợp đồng khiến HTX, nông dân thiệt thòi. Và gạo đỏ Thuận Hòa chỉ sản xuất vài vụ, xây dựng sản phẩm OCOP chưa đầy một năm đã thất bại.

HTX Nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền) có thời điểm gần như bất lực, nguy cơ ngừng hoạt động. HTX có cơ hội phục hồi khi chuyển sang phương thức sản xuất mới, hiện đại đó là sản xuất lúa gạo hữu cơ. Tuy nhiên, HTX cũng chỉ sản xuất vài vụ thì gặp thiên tai, dịch bệnh khiến đầu ra gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tồn kho... Mới đây, HTX bắt đầu khôi phục lại mô hình sản xuất gạo hữu cơ, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn là "bài toán" khó. Khó nhất vẫn là hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa HTX với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ thừa nhận, năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ điều hành HTX còn hạn chế là trở lực lớn trong quá trình sản xuất, liên kết, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường.

Phần lớn HTX hiện nay chủ yếu sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, tập trung các lĩnh vực thủy lợi, kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất... đều gặp nhiều khó khăn, kinh doanh lãi thấp, thậm chí không có lãi. Nhiều HTX chuyển đổi theo luật bước đầu có sự đầu tư phát triển đúng hướng theo mô hình sản xuất, kinh doanh chuỗi giá trị. Các HTX liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ, VietGAP kết hợp thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó HTX có nhiệm vụ làm khâu trung gian... Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị được xác định là hướng đi mới, phù hợp yêu cầu mới, nhưng đa phần năng lực, trình độ cán bộ quản lý, điều hành HTX còn hạn chế nên quá trình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, vướng mắc nhất định.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn chỉ rõ, sự phục hồi và phát triển của HTX ở các lĩnh vực ngành nghề, vùng miền có nhiều chuyển biến, nhưng chưa đồng đều. Một số HTX thua lỗ, giảm sản lượng và quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chưa chú trọng liên kết chuỗi giá trị, thiếu mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao, còn lúng túng trong tiêu thụ sản phẩm. Một lượng lớn sản phẩm tiêu thụ trên thị trường chưa có truy xuất nguồn gốc, chưa đạt chất lượng cao. Trình độ lao động thấp, một số thành viên tham gia HTX còn mang tính hình thức, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm của thành viên. Việc tiêu thụ sản xuất còn bị động, không có các hợp đồng liên kết, tiêu thụ ổn định và bền vững, chủ yếu dựa nhiều vào thương lái.

Tại một số thời điểm, một lượng lớn lương thực, thực phẩm và nông sản khác do tổ hợp tác, HTX sản xuất bị tồn đọng và khó tiêu thụ, hoặc các hợp đồng không ổn định... Điều này cho thấy, quá trình chuyển đổi số của các HTX còn chậm, thiếu sự quan tâm đầu tư. Cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn HTX ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số. Nhân lực của HTX hiểu và thực hành kỹ năng số còn hạn chế như các kỹ năng xây dựng cơ sở dữ liệu, sử dụng thiết bị số, tìm kiếm, đánh giá và quản trị thông tin trên thiết bị số, sử dụng phần mềm trong quá trình sản xuất, truyền thông số (thông qua website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội), kỹ năng thương mại điện tử, thanh toán điện tử…

Theo ông Trần Lưu Quốc Doãn, có nhiều nguyên nhân, hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế HTX. Trong đó, ngoài điều kiện thời tiết bất thường ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của loại hình HTX nông nghiệp thì chi phí nguyên liệu, nhiên nhiên, vật liệu đầu vào không ổn định, biến động lớn, liên tục ảnh hưởng mạnh đến chi phí sản xuất của các lĩnh vực ngành nghề. Các cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước chưa đồng bộ, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của HTX. Năng lực nội tại của các HTX còn yếu, đặc biệt là vốn, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ hoặc siêu nhỏ. Tính liên kết hợp tác trong HTX chưa cao, thành viên chưa tham gia tích cực vào hoạt động chung của HTX...

Mục tiêu của Liên minh HTX tỉnh trong thời gian đến, là tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, HTX theo hướng năng động, hiệu quả, bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực. HTX đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, thu hút ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và thành thị tham gia HTX, tổ hợp tác; nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững... nhằm góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.


Bài, ảnh: Ngọc Chính