leftcenterrightdel
 Ngôi mộ tập thể của chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vong trong trận chiến Quý Mùi tại làng Thai Dương Hạ

Vè thất thủ Thuận An ghi lại cảnh hãi hùng của những chiến sĩ trận vong “Người thì rớt chết phá sâu/Người thì dập xác, mất đầu, quá kinh”, cảnh lầm than của dân đen con đỏ “Khóc la dậy đất vang trời/ Lao xao chạy loạn tả tơi giày bừa” và nỗi tủi nhục, đớn đau sau chiến trận: “Kẻ thì thuê mướn thuyền chài/ Để mò tìm những hình hài thân thi. Người thì bước bộ sầu bi/ Con đi tìm bố, vợ đi tìm chồng/ Cháu tìm chú, bác tìm ông/ Anh em ruột thịt khóc ròng tìm nhau”. Cùng với những cung bậc bi thương, ai oán này, người dân làng Thai Dương Hạ (cư dân sở tại của cửa biển Thuận An) còn dựng miếu Âm Linh (còn gọi là am Linh Từ) và vườn Âm linh.

Trong bối cảnh văn hóa làng xã vùng Huế, miếu âm linh hay miếu âm hồn, bàn âm hồn, hoặc cô đàn là một trong những công trình không thể thiếu trong hệ thống thiết chế tín ngưỡng cộng đồng. Điểm khác biệt của miếu Âm Linh ở Thai Dương Hạ là quy mô của ngôi miếu khá lớn với diện tích hơn 50m2, có kết cấu ba gian, xây theo lối thu hồi gác mái. Tuy cùng mang ý nghĩa là nơi trú ngụ cho các cô hồn không nơi nương tựa. Song, nội dung các bài vị trong ngôi miếu này đã cho thấy đối tượng thờ phụng trung tâm của miếu là các quan, tướng, binh sĩ hy sinh, già trẻ gái trai vong mạng trong trận chiến Quý Mùi (1883), gồm: Quý Mùi niên trận, văn võ quan viên liệt vị chi thần/ Quý Mùi niên trận, lại binh sĩ tốt liệt vị thần vị/ Quý Mùi niên trận, nam phụ lão ấu liệt vị thần vị.

Cứ đến 17 tháng 7 Âm lịch hằng năm, dân làng đều đến dâng hương hoa, lễ vật để tưởng niệm những người đã khuất. Và 3 năm một lần, lễ tế âm linh ở đây được tổ chức quy mô lớn, kéo dài đến 3 ngày. Trong những dịp như thế, ngoài các nghi thức thông thường, còn có Trai đàn chẩn tế, một pháp đàn được thiết trí trang nghiêm theo khoa nghi của nhà Phật.

Nếu như miếu Âm linh là nơi trú ngụ của linh hồn các chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vong trong ngày Thuận An thất thủ thì vườn Âm Linh là nơi họ gửi thân xác của mình về đất mẹ. Vườn Âm Linh với hai ngôi mộ chôn tập thể được gọi là mả làng. Mỗi độ năm hết Tết đến, người dân làng Thai Dương Hạ lại đến đây “chạp mả làng”, sửa sang, chăm  sóc và an ủi những vong hồn xấu số. Vậy nên, trong dân gian mới có câu: “Không lo một nỗi mồ tan. Hai lăm tháng Chạp có làng chạp cho”.

Ngoài mả làng và vườn Âm Linh, gắn với sự kiện thất thủ Thuận An, không thể không kể đến Trấn Hải thành hay Trấn Hải đài - một di tích kiến trúc quân sự được kiến tạo dưới thời Gia Long, cách đây đúng tròn 210 năm (1813), nay là nơi đóng quân của Đồn biên phòng cảng Thuận An.  Điều đặc biệt là trong khuôn viên của thành đến nay vẫn hiện diện một chiếc am nhỏ, là nơi hương khói, tưởng niệm những chiến sĩ trận vong trong sự biến 1883.

Có thể nói, những công trình kiến trúc mang ý nghĩa tâm linh và các mỹ tục gắn liền với ngày thất thủ Thuận An là biểu hiện của một ứng xử đầy tính nhân văn của cộng đồng địa phương. Ở đó, những xúc cảm sâu xa của tình yêu thương con người được thể hiện chân thành, giản dị mà vẫn thấm đượm nghĩa tình. Và hơn tất cả, đó còn là những tượng đài lịch sử, là lời nhắc sâu sắc về ý thức chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Với những giá trị và ý nghĩa của các di sản văn hóa tâm linh gắn với sự kiện thất thủ Thuận An, thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần có sự quan tâm đầu tư, tôn tạo di tích cũng như các hoạt động giáo dục ý nghĩa của các hoạt động văn hóa tâm linh đi kèm. Nhất là trong điều kiện miếu Âm linh làng Thai Dương Hạ đang trong tình trạng xuống cấp và trong bối cảnh nhiệm vụ tuyên truyền về ý thức quốc phòng, bảo vệ biển đảo đang đặt ra cấp bách như hiện nay.

Bài, ảnh: Nguyên Ninh