UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp

Mở rộng phạm vi dự án liên quan đến Kinh thành Huế

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, đây là kỳ họp chuyên đề quan trọng, các vị đại biểu HĐND tỉnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, dân chủ thảo luận, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Trong các nội dung HĐND tỉnh thảo luận, đáng chú ý là việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố Đô Huế (Đề án).

Theo tờ trình của UBND tỉnh, đến nay, đã triển khai di dời hơn 5.000 hộ dân thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 1). Việc tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2 để di dời các hộ dân còn lại trong khu vực Kinh thành và các khu vực di tích quần thể di tích Cố đô Huế nằm ngoài hệ thống Kinh thành là cần thiết.

Ngày 18/4/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 137/TBVPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, trong đó có nội dung về mở rộng Đề án để di dời các hộ dân tại các khu vực thuộc quần thể di tích Cố đô Huế nằm ngoài Kinh thành Huế và áp dụng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, đã thực hiện đối với dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 1) để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng (giai đoạn 2).

UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án để hướng đến mục tiêu, từ năm 2019-2023 (giai đoạn 1) hoàn thành di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi di tích Kinh Thành Huế gồm 11 khu vực; hoàn thành 10 dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ tổng diện tích 82,77ha phục vụ tái định cư.

Từ năm 2023-2025 (giai đoạn 2 – điều chỉnh, mở rộng) sẽ hoàn thành di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại 19 khu vực; hoàn thành khu dân cư phục vụ giải phóng mặt bằng có diện tích khoảng 9,04 ha phục vụ tái định cư có diện tích 4,22ha.

Cũng liên quan đến tổng nhu cầu đất tái định cư phục vụ di dời dân cư dự án Bảo tồn, tu bổ tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế, HĐND tỉnh cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ (khu vực 11). Mục tiêu nhằm tạo quỹ đất tái định cư giải phóng mặt bằng phục vụ dự án di dời dân cư tại khu vực I di tích kinh thành Huế và các khu vực di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế nằm ngoài Kinh thành Huế; đồng thời đáp ứng nhu cầu tái định cư một số dự án trên địa bàn TP. Huế... Dự án có tổng mức đầu tư 75,97 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

leftcenterrightdel
Khu vực 1 di tích Kinh thành Huế sau khi di dời người dân đã tạo nên những điểm tham quan hấp dẫm du khách. Ảnh: Bảo Minh 

Phù hợp với nhu cầu

Ngoài Nghị quyết mở rộng phạm vi Đề án, kỳ họp lần này, HĐND tỉnh cũng thông qua việc giao kế hoạch đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương (vốn vay lại) năm 2023.

Theo đó, năm 2023, có 7 dự án ODA triển khai trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch vốn từ nguồn bội chi ngân sách địa phương (vốn vay lại) năm 2023 tỉnh được giao là 468,6 tỷ đồng. Đến nay, đã phân khai chi tiết cho 5 dự án ODA với số vốn 234,098 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phân khai là 234,502 tỷ đồng.

Ngày 11/7/2023, Bộ Tài chính đã ký Hợp đồng cho vay lại với UBND tỉnh cho dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế. Để thực hiện và giải ngân vốn theo quy định, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách nhất trí với việc giao kế hoạch đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương (vốn vay lại) năm 2023 cho dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế với số vốn là 234,502 tỷ đồng.

Về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu năm 2022 và năm 2023 để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh thống nhất dự toán chi sự nghiệp từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương năm 2022 và năm 2023 cho ngân sách địa phương để thực hiện chương trình này là 18,378 tỷ đồng.

Liên quan đến đầu tư công, HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết dự kiến nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 6.974,563 tỷ đồng.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, các nghị quyết được HĐND tỉnh thông có ý nghĩa hết sức quan trọng để các ngành, địa phương kịp thời triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết; Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường các hoạt động giám sát việc  tổ chức thực hiện các nghị quyết để các nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo tỉnh bỏ phiếu bầu  Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng đã thông qua các nghị quyết khác như,  kết quả giám sát về tình hình thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến năm 2022, quy định mức thu lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính thông qua Dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2023-2024; quy định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2023-2025. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng tiến hành miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với Đại tá Ngô Nam Cường, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, do đảm nhiệm công tác khác; bầu Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với Thượng tá Phan Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Lê Thọ