leftcenterrightdel
Thi đua tạo động lực để công nhân lao động Công ty CP Dệt may Phú Hòa An hăng say lao động, sản xuất 

Gần hai năm nay, Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, Khu công nghiệp Phú Bài hoạt động sản xuất không tăng ca, thêm giờ như mấy năm trước, nhưng đã thành tác phong, khi đôi tay hòa cùng nhịp máy thì mỗi thao tác của công nhân ở đây đều rất chuyên nghiệp, chính xác. Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty CP Dệt may Phú Hòa An cho biết, càng khó khăn thì khẩu hiệu thi đua “Năng suất, chất lượng, hiệu quả” càng được chúng tôi thực hiện nghiêm túc. Chỉ đẩy mạnh năng suất, chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp mới tiết kiệm được chi phí, bảo đảm chất lượng đơn hàng, tạo sự tin cậy của đối tác và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ông Lê Hồng Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An cho biết, thi đua lao động sản xuất được công ty phát động hàng tháng tới từng tổ, bộ phận. Từ xưởng may, xưởng cắt, xưởng hoàn thành, phòng quản lý chất lượng, tổ bảo trì đến phòng kỹ thuật và tổ ủi đều tích cực hưởng ứng. Mỗi tổ, bộ phận có các tiêu chí thi đua khác nhau. Tiền thưởng cho mỗi cá nhân, tập thể đạt thành tích cao trong thi đua sản xuất dao động từ 1 đến 5 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng công ty trích ra gần 1 trăm triệu đồng tiền khen thưởng. “Mục đích chúng tôi phát động thi đua nhằm khích lệ, khơi dậy tinh thần thi đua lao động, sáng tạo, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong công nghiệp trong công nhân, người lao động, cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Bản thân công ty tôi cũng nhận được nhiều bằng khen của Trung ương và địa phương trong thực hiện phong trào chung”, ông Lê Hồng Long cho biết. 

Khen thưởng như sợi chỉ đỏ của tinh thần đoàn kết, tạo thành sức mạnh vật chất cho mọi hành động của cá nhân, tập thể và cộng đồng dân cư. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua không phải là sự “ganh đua” thuần túy, mà là “làm tốt công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, mỗi ngày đến trường, cô giáo Nguyễn Nguyên Quỳnh Anh, giáo viên Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, TP. Huế lại vun đắp thêm tinh thần hiếu học, dẫn dắt học sinh tham gia các phong trào, các cuộc thi để có thêm kỹ năng. Bản thân cô không ngừng trau dồi kiến thức, khẳng định mình trong công tác chuyên môn và các phong trào thi đua của trường, của ngành qua những tấm bằng khen của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo… Mỗi thành công của cô giáo Nguyễn Nguyên Quỳnh Anh cùng các giáo viên, học sinh trong trường là một nấc thang trên con đường sự nghiệp, đường đời và bồi đắp thêm bề dày truyền thống của nhà trường.

Thi đua là cơ sở của khen thưởng và khen thưởng là yếu tố quan trọng, là đòn bẩy làm cho phong trào thi đua phát triển. Thực hiện tốt phong trào thi đua sẽ xuất hiện những nhân tố mới, điển hình mới, cách làm hay sự sáng tạo. Trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi vươn lên làm giàu như: Ông Nguyễn Vinh, thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có mô hình sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả, giúp đỡ, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ông Nguyễn Đức Hòa, thôn Phụng Sơn, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc được đề xuất bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023… Tấm huân chương, bằng khen đối với những “tỷ phú chân đất” không chỉ là sự ghi nhận quá trình nỗ lực phấn đấu để đi đến thành công, mà còn là động lực để họ cùng nhau học tập, lao động, sáng tạo, cống hiến.

Việc khen thưởng nhiều cho người trực tiếp lao động sản xuất là thực tế chung dễ thấy trong phong trào thi đua tại các đơn vị hiện nay. Người trực tiếp lao động, sản xuất được khen thưởng là những người có thành tích tiêu biểu, nổi trội. Điều đó, kịp thời ghi nhận, khích lệ cho những nỗ lực, sáng tạo trong lao động, sản xuất của họ.

Ông Phan Đỗ Quốc Hùng, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh cho biết, trong công tác thi đua khen thưởng, tỉnh luôn chú trọng khen thưởng cho các đối tượng là tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm khen thưởng đến đối tượng là học sinh, nông dân, công nhân, chiến sĩ, người lao động trực tiếp và công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, lựa chọn những mô hình, gương điển hình tiên tiến, có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác và chiến đấu trong các phong trào thi đua để xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN