leftcenterrightdel
Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực 

Những bước tiến 

Thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục, các cơ sở giáo dục đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Nội dung dạy học được điều chỉnh, phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng được đổi mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Từ đó, chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện.

Ở bậc trung học, việc tổ chức dạy học và các kế hoạch giáo dục trong nhà trường được thực hiện nghiêm túc. Các trường đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Chất lượng giáo dục được đảm bảo, học sinh được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản, đặc biệt là việc thực hiện chương trình phổ thông 2018. Chất lượng đại trà và mũi nhọn đạt kết quả tốt. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Năm 2022, số thí sinh trúng tuyển và nhập học vào đại học, cao đẳng đạt tỷ lệ 62,57%, đứng thứ 1 toàn quốc.

Sở GD&ĐT tiến hành đổi mới công tác thi cử theo hướng phát huy tối đa việc tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài trên toàn tỉnh; thực hiện công bằng, khách quan trong tổ chức các kỳ thi, đặc biệt là thi học sinh giỏi các cấp. Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên thực hiện thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn toàn tỉnh để đánh giá thực chất năng lực của học sinh. Từ đó, có giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ở cấp THCS. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, phổ điểm thi trung bình của Thừa Thiên Huế đạt 6,502 điểm (năm 2022 là 6,341 điểm) và xếp thứ 26/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm 2022. Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 98,08% (năm 2022 tỷ lệ tốt nghiệp là 96,55%).

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, điểm nổi bật của GD&ĐT trong năm học vừa qua là giáo dục mũi nhọn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 62/80 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia đạt giải, đứng thứ 7 toàn quốc; 1 học sinh của Trường THPT chuyên Quốc Học vào vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2023; 1 học sinh được tặng bằng khen tại cuộc thi Olympic Vật lý châu Á. Nhiều học sinh tham gia và đạt giải tốp đầu các cuộc thi cấp quốc gia, như cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V, cuộc thi khoa học kỹ thuật…

Với giáo dục tiểu học, có 195 trường tiểu học và 21 trường liên cấp đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đạt tỷ lệ 86,56%; trong đó, 100% các lớp 1, 2, 3 đều thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường đã sử dụng và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học. Nhiều trường đã xây dựng khuôn viên nhà trường khang trang, xanh, sạch đẹp, an toàn, xây dựng môi trường giao tiếp gần gũi, thân thiện; có nhiều chương trình, hoạt động ngoại khóa giúp học sinh phát triển toàn diện.

Chất lượng và trình độ chuẩn của đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao, nhất là đối với các giáo viên trẻ. Tinh thần tự học, tự rèn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tự giác, tích cực, có ý thức đạo đức nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã có nhiều nỗ lực nên chất lượng giáo dục được đảm bảo, học sinh được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản, đặc biệt là việc thực hiện chương trình phổ thông 2018.

leftcenterrightdel
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng tăng 

Đáp ứng yêu cầu đổi mới

Để tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới giáo dục, ngành GD&ĐT vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới giáo dục ngày càng nhiều và đòi hỏi yêu cầu cao, trong khi đó biên chế các cơ quan quản lý giáo dục (sở và các phòng GD&ĐT) giảm, không đảm bảo bao quát toàn diện hoạt động quản lý ngành theo phân cấp.

Thứ nữa, cơ sở vất chất và nguồn lực tài chính được tăng cường nhưng vẫn chưa đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa và đảm bảo trường, lớp học 2 buổi/ngày cũng như các điều kiện hoạt động khác. Tỷ lệ phòng học bán kiên cố còn cao. Số trường đạt chuẩn quốc gia nhìn chung vẫn còn thấp. Thiết bị phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông còn thiếu và nhiều bất cập trong mua sắm, sử dụng. Việc bố trí đội ngũ giáo viên giảng dạy môn tích hợp ở cấp THCS gặp nhiều khó khăn vì hiện nay số giáo viên có trình độ đào tạo liên môn lý - hóa - sinh hoặc lịch sử - địa lý chưa có.

Trong năm học tới, ngành GD&ĐT thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình giáo dục hiện hành, triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên mới. Đáng chú ý, ngành chú trọng đổi mới chiều sâu về phương pháp và cách thức tổ chức dạy học để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp và tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Nguyễn Tân cho biết, ngành sẽ tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Công tác quản lý, quản trị trường học cũng được đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Bài, ảnh: MINH HIỀN