leftcenterrightdel
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. 

Ngày 27/4/2023, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức khánh thành, đi vào hoạt động sau 12 năm vật vã, trầy trật với tình trạng chậm tiến độ. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ vì dự án có quy mô lớn, lại đúng thời điểm miền bắc đang thiếu điện trầm trọng, mà còn bởi đó là “ánh sáng cuối đường hầm” của một dự án tưởng như đã cầm chắc “giấy báo tử”.

Những tín hiệu khả quan

Trở lại hơn 12 năm trước, tháng 3/2011, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khởi công tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng thầu EPC là Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Đây là một trong những dự án nguồn điện trọng điểm quốc gia có công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 41.399 tỷ đồng, dự kiến sẽ phát điện tổ máy số 1 năm 2014, tổ máy số 2 vào đầu năm 2015, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu điện đang tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhưng kỳ vọng ban đầu nhiều bao nhiêu thì kết quả trở thành thất vọng bấy nhiêu. Những sai phạm xảy ra chồng chất trong quá trình thi công đã khiến dự án bị chậm tiến độ kéo dài, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Việc xử lý những khiếm khuyết, hạn chế tại dự án có thời điểm rơi vào bế tắc vì không được trao cơ chế vượt thẩm quyền để xử lý những nút thắt về pháp lý và nguồn vốn.

Đến khi những “nút thắt” cơ chế này bắt đầu được tháo gỡ thì lại tiếp tục đình trệ vì đại dịch Covid-19.

Với sự quyết tâm của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nỗ lực không mệt mỏi, cùng với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo PVN, đến nay, dự án đã hồi sinh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện kinh tế tuần hoàn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, đóng góp quan trọng vào ngân sách.

Ông Mai Văn Long, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết, đến tháng 8/2023, nhà máy đã vận hành được gần 1,478 tỷ kW giờ điện, doanh thu gần 3.100 tỷ đồng.

Dự kiến cả năm nay, nhà máy nộp ngân sách cho địa phương khoảng 600-700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 400 lao động. Nếu được huy động tối đa, mỗi năm nhà máy có thể đóng góp cho đất nước hơn 7,2 tỷ kW giờ điện thương phẩm.

Đây là những con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh mất cân đối nguồn cung điện tại các vùng miền đang dẫn tới khó khăn nhất định trong điều độ vận hành hệ thống điện, có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đối với 1.250 người lao động Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc), năm 2022 vừa qua là dấu mốc không thể nào quên. Bởi đây là lần đầu tiên, doanh nghiệp này “cán mốc” lợi nhuận đến con số nghìn tỷ đồng sau quá trình thua lỗ kéo dài giai đoạn 2015-2020 và bị liệt vào danh sách 12 dự án kém hiệu quả, thua lỗ ngành công thương.

Nhắc lại hành trình vượt khó, ông Phạm Văn Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết: Thời điểm tháng 5/2021, tỉnh Bắc Giang trở thành tâm điểm bùng phát dịch Covid-19, nhiều nhà máy, khu công nghiệp phải dừng hoạt động, công nhân trở về quê tránh dịch nhưng Đạm Hà Bắc vẫn sáng đèn tổ chức sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ.

Phụ tải trung bình của các ngày chạy máy theo sản lượng quy đổi về urê đạt 90,99% công suất; bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Nhờ làm tốt công tác dự báo, đón đúng thời điểm giá thị trường bắt đầu tăng lên và bắt được nhịp rất nhanh, các sản phẩm của Đạm Hà Bắc sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giúp doanh nghiệp từng bước giảm lỗ, cân bằng được tài chính.

Kết quả, năm 2022, Đạm Hà Bắc đạt mức lợi nhuận kỷ lục 1.779 tỷ đồng. Tuy còn nhiều khó khăn, nhất là chi phí lãi vay quá lớn “bào mòn” lợi nhuận nhưng quan trọng là doanh nghiệp đã có sự bứt phá, hồi sinh, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước và đem lại niềm tin cho xã hội.

5 dự án bắt đầu có lãi

Được thành lập tháng 9/2018, với trọng trách quản lý vốn tại 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, giá trị vốn chủ sở hữu trên sổ sách hơn 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cũng đồng thời nhận nhiệm vụ tiếp nhận, tham gia xử lý các dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ, trong đó có 12 dự án thuộc ngành công thương.

Thông tin từ Ủy ban cho biết, đến nay tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương đã có nhiều kết quả quan trọng, thiết thực, 5 dự án bắt đầu có lãi và giảm lỗ lũy kế. Cụ thể, đối với 5 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao PVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, được sử dụng nguồn vốn hợp pháp để chủ động xử lý, tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong đó, một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, có đóng góp cho ngân sách nhà nước, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị, xã hội tại địa phương.

Đơn cử, dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 của Công ty cổ phần DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay đã sản xuất ổn định, hằng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022.

Dự án sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí.

Riêng đối với 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học đang được PVN triển khai thực hiện phương án xử lý, bảo đảm đúng theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Đối với dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Ủy ban đã chỉ đạo PVN và DQS cần có trách nhiệm trong việc xây dựng đề án tái cơ cấu, khẩn trương đánh giá sát tình hình thực tế, khả năng hoạt động thời gian tới, xem xét tất cả các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật để đề xuất phương án xử lý dứt điểm, khả thi và xác định rõ điều kiện về cơ chế, chính sách, cấp có thẩm quyền xử lý.

Riêng dự án mở rộng giai đoạn 2, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2), dự án khó xử lý nhất do vướng mắc quy định pháp lý với nhà thầu EPC, đến nay cũng đã có những tiến triển mới trong quá trình xử lý những tồn đọng.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc của đoàn công tác Ủy ban diễn ra tháng 3/2023, lãnh đạo cao nhất của chủ đầu tư và tổng thầu của dự án đã tiến hành rất nhiều phiên đàm phán, ký biên bản làm việc, đưa ra các nguyên tắc xử lý cơ bản, làm cơ sở để triển khai các bước đi tiếp theo.

Đây là bước tiến rất quan trọng vì những cuộc đàm phán giữa Tisco và Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) trong giai đoạn trước không ký, thỏa thuận được bất kỳ văn bản nào.

Trên cơ sở kết quả đàm phán tại Bắc Kinh, đoàn chuyên gia của MCC đã sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá thiết bị, công trình tại hiện trường, gửi Tisco bản báo cáo kết quả đánh giá và đề xuất sơ bộ phương án xử lý tiếp theo đối với dự án Tisco 2.

Hành trình hồi sinh của những dự án “nghìn tỷ” chậm tiến độ, kém hiệu quả vừa qua tuy chưa thật sự định hình rõ nét, nhưng cũng đủ khiến những người trong cuộc thở phào nhẹ nhõm.

Việc xử lý triệt để những vấn đề tồn đọng đòi hỏi một quá trình dài hơi hơn, song bước đầu đã có tác dụng “phá băng” nguồn lực nằm “đắp chiếu” nhiều năm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và quan trọng nhất là từng bước lấy lại niềm tin của xã hội vào hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong thời gian tới, việc xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả sẽ tiếp tục được thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và tuân thủ các quy định của pháp luật, kết luận thanh tra, kiểm toán và cơ quan có thẩm quyền.

Theo Nhân Dân