leftcenterrightdel
Đại biểu nghiên cứu nội dung báo cáo kết quả giám sát về tình hình thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 – 2022

Nhiều dự án trọng điểm được triển khai

Đánh giá của đoàn giám sát cho thấy, giai đoạn 2017 – 2022 tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 259 DA, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86.097,8 tỷ đồng, vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 13.802 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16% trên tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, 36 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 19.316,1 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nhiều DA trọng điểm được nhà đầu tư tập trung triển khai như, DA Đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây; DA Bến số 2 – Cảng Chân Mây; DA Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex; DA Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế, DA Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế; DA Nhà máy Nakamoto Việt Nam; DA Nhà máy Kanglongda Huế; DA Nhà máy gia công thạch anh Chân Mây;...

Trong tổng số 259 DA được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đến nay có 128 DA hoàn thành đi vào hoạt động, 65 DA đang triển khai thực hiện; có 24 DA chậm tiến độ, 22 DA ngừng triển khai/không triển khai và 20 DA đã chấm dứt hoạt động.

Giai đoạn 2017 - 2022 các cơ quan, địa phương cũng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 19 đồ án quy hoạch phân khu, 17 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Báo cáo của đoàn giám sát cho rằng, việc tập trung nguồn lực của nhà nước đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào tại khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu đô thị đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các DA đầu tư. Hoạt động xúc tiến, hỗ trợ nhà đầu tư được quan tâm. Các DA đi vào hoạt động đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu ngân sách, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các DA đi vào hoạt động góp phần nâng tỷ lệ lấp đầy khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu đô thị. Một số DA đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hoàn thành đã tác động tích cực đến hoạt động kêu gọi đầu tư. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, đặc biệt là công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, cơ sở dữ liệu đất đai ngày càng đi vào nề nếp. Chính sách pháp luật về đất đai ngày càng chặt chẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh, cũng như thu hồi các dự án chậm tiến độ, DA không triển khai thực hiện…

leftcenterrightdel
 Các dự án đầu tư ngoài ngân sách được triển khai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua

66 dự án chậm tiến độ

Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song báo cáo của đoàn giám sát cũng chỉ rõ nhiều hạn chết cần khắc phục.

Đáng chú ý, trong tổng số 259 DA được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vẫn còn 66 DA chậm tiến độ, DA ngừng triển khai/không triển khai, DA đã chấm dứt hoạt động.

Công tác xác định nguồn gốc sử dụng đất để kêu gọi đầu tư mất nhiều thời gian, một số DA đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất do chưa xác định được nguồn gốc sử dụng đất.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai DA đầu tư, làm ảnh hưởng tiến độ triển khai DA; việc cập nhật, hướng dẫn thực hiện pháp luật về quy hoạch tiến hành chậm, nhiều DA đến nay chưa được phê duyệt quy hoạch để triển khai.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các sở, ngành với các địa phương trong việc hỗ trợ đầu tư, giám sát DA đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa tốt. Một số DA khu đô thị chưa giải quyết dứt điểm các thủ tục hành chính về đất đai nên đến nay vẫn chưa được giao đất làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, người dân, làm chậm tiến độ. Công tác chuẩn bị hồ sơ, dữ liệu đất đai nhằm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư chưa đạt kỳ vọng. Xử lý các trường hợp phát sinh liên quan đến các quy định của pháp luật chậm, kéo dài, thiếu dứt khoát... làm kéo dài thời gian triển khai DA.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chính sách hỗ trợ tái định cư chưa phù hợp với thực tiễn, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính kéo dài... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các DA. Các văn bản hướng dẫn về quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch,... thường xuyên thay đổi, còn mang tính chung chung, thiếu cụ thể, có nhiều cách hiểu khác nhau... dẫn đến việc áp dụng gặp khó khăn. Quy trình xử lý tài sản trên đất đối với DA chấm dứt hoạt động, DA hết thời hạn cho thuê đất, DA đã thu hồi gặp nhiều vướng mắc, bất cập, quy định thiếu cụ thể... ảnh hưởng đến công tác thu hồi DA…

Đoàn giám sát kiến nghị, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, xem xét thu hồi các DA chậm tiến độ không có khả năng triển khai thực hiện theo quy định pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giám sát, đôn đốc, theo dõi đặc biệt các DA chậm tiến độ để đề xuất xem xét, thu hồi nếu vi phạm.

Xem xét quyết định gia hạn tiến độ thực hiện DA đối với một số DA chậm tiến độ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nguyên nhân bất khả kháng khác theo quy định.

Ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ tái định cư phù hợp thực tiễn nhằm tạo điều kiện trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư.

Quan tâm, kịp thời bố trí kinh phí lập quy hoạch, kinh phí xúc tiến đầu tư nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch, làm tốt công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư.

Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu,... Chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các quy hoạch chưa hoặc chậm triển khai để có giải pháp xử lý phù hợp…

 

LÊ THỌ