Kỳ I: Xin không được thì… “chạy”
Phải nói sòng phẳng, “chạy trường” là câu chuyện có thật, dù không bằng, không chứng. Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
Tìm mọi cách
Với phụ huynh có con chuyển cấp, khoảng thời gian tuyển sinh là những ngày khá áp lực, nhất là với những ai chuộng trường “điểm” ở trung tâm TP. Huế. Nhiều người mang nặng tâm lý muốn cho con mình được học ngôi trường có môi trường giáo dục chất lượng, cơ sở vật chất tốt nên không đăng ký cho con học đúng tuyến nơi cư trú mà “chạy đôn, chạy đáo” xin học trái tuyến.
Bố mẹ nào cũng mong con được học tại ngôi trường tốt (ảnh minh họa) |
Trừ cấp THPT phải thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc Trường THCS Nguyễn Tri Phương phải khảo sát năng lực đầu vào, nhiều năm nay, cuộc đua xin học trái tuyến vào lớp 1 và lớp 6 ở những ngôi trường có tiếng khá rầm rộ. Một số trường ở trung tâm TP. Huế đã tạo được uy tín, thương hiệu (thường được mọi người coi là trường “điểm”) được nhiều phụ huynh nhắm đến. Cấp tiểu học có các trường: Vĩnh Ninh, Lê Lợi, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản… Trung học cơ sở có Nguyễn Chí Diểu, Chu Văn An, Trần Cao Vân… Tất nhiên, việc xin học trái tuyến không hề dễ dàng.
Để xin cho con vào học trường “điểm”, phụ huynh phải tìm nhiều cách. Những mối quan hệ được tận dụng, phát huy để nhờ vả, tác động từ người này đến người khác. Không xin được nhà trường thì nhờ cậy cấp trên, những người quen biết. Một học sinh thậm chí không chỉ nhờ 1 chỗ mà phải đến 3, 4 chỗ. Những người không nhờ vả được thì tìm cách… “chạy”. Người đi trước truyền kinh nghiệm cho người sau.
Anh T. kể rằng, hành trình xin học trái tuyến lắm gian nan. Để xin cho cháu ruột vào học ở trường D, anh đã nhờ vả một người quen từ sớm. Anh khá yên tâm khi người này có mối quan hệ quen biết và hứa chắc chắn sẽ giúp được. Vậy nhưng, cận kề năm học, anh T. điêu đứng khi người ta trả lại hồ sơ. Anh phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí đến tận nhà một vị quản lý ngành giáo dục chầu chực cũng không được. Sau khi tìm mọi cách, tận dụng mọi mối quan hệ và tất nhiên tốn một khoản chi phí, anh mới xin được cho cháu vào học đúng ý nguyện.
Để được vào trường “điểm”, một số phụ huynh khác “lách” bằng cách nhập hộ khẩu cho con ở nhờ nhà người quen từ vài năm trước hoặc xin tạm trú dài hạn. Học sinh thuộc diện này khá nhiều khiến các trường gặp khó khăn trong công tác điều tra phổ cập để dự báo chỉ tiêu tuyển sinh.
Bí đường thì tìm… “cò”
Cách đây 10 năm, khi đi trên chuyến xe khách, qua câu chuyện điện thoại của một người quen, tôi lần đầu biết việc xin học trái tuyến vào lớp 1 khá khó khăn và tốn kém. Vậy nhưng, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để xin cho con học ngôi trường họ cho là tốt nhất.
Học sinh ở TP. Huế (ảnh minh họa) |
Lợi dụng tâm lý này, một số người trở thành “cò” môi giới “chạy trường” để trục lợi. Tìm hiểu qua một số phụ huynh, nếu không có quan hệ quen biết, số tiền xin cho con học trái tuyến hiện nay lên đến vài chục triệu đồng. Dù không bằng, không chứng nhưng điều này râm ran trong dư luận từ lâu.
Có con học đúng tuyến ở trường A, một trường THCS đang “hot” ở TP. Huế hiện nay, người bạn của tôi kể nhiều câu chuyện đáng suy ngẫm của những phụ huynh xin con vào học trái tuyến. Năm trước, một phụ huynh nhờ được người xin cho con vào học trường A, tất nhiên là có tốn kém. Năm sau, người quen của chị cũng nhờ xin giúp, chị hỏi lại người giúp mình lúc trước thì “giá” đã tăng gấp nhiều lần và vị phụ huynh kia đành bỏ cuộc.
Hỏi anh T. liệu có đáng khi phải mất nhiều công sức, tiền bạc mới xin được vào trường “điểm”, trong lúc vẫn có trường gần nhà cho con học? Anh trả lời: “Đáng chứ. Nếu có điều kiện, ai cũng sẵn sàng tốn kém để con em được học ở môi trường giáo dục tốt, chất lượng”.
Đem câu chuyện trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế, rằng có hay không việc “chạy trường”? Ông Tiến cho hay: “Chuyện này chúng tôi có nghe râm ran trong dư luận. Tâm lý “chạy trường” cũng hình thành trong một nhóm người. Có lần tôi đi taxi, qua trò chuyện, anh tài xế biết tôi làm ở Phòng Giáo dục và Đào tạo liền mở lời nhờ tôi xin giúp với lời ngỏ: họ răng, em rứa”.
Làm vẩn đục môi trường giáo dục
Việc một số phụ huynh tìm đủ mọi cách “chạy trường” cho con tác động không nhỏ tới môi trường giáo dục. Trò chuyện với một số hiệu trưởng, họ rất buồn lòng khi những lời đồn đại “chạy chọt” bên ngoài xã hội làm “nhiễu loạn” trường học. Nhiều người trăn trở, tuần đầu tiên của năm học, nhà trường giáo dục đạo đức cho học sinh. Nếu câu chuyện này đến tai học sinh, hình ảnh của thầy cô sẽ như thế nào trong mắt các em?
Cần giữ môi trường trong sáng, lành mạnh cho trường học (ảnh minh họa) |
Một hiệu trưởng bức xúc: “Dựa vào các mối quan hệ quen biết, nhiều người bảo “chạy chọt” tốn kém đâu đó ở bên ngoài chứ nhà trường không liên quan. Nói xin vào trường phải “chạy” là không đúng, đồn đại vậy mang tiếng cho các trường và làm xấu môi trường giáo dục. Ai nói? Đưa tiền cho ai? Tôi nghĩ cần làm rõ để trả lại sự trong sạch cho các trường”.
Cũng vì tin những người môi giới “chạy trường”, nhiều người lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Chưa có thông báo kết quả tuyển sinh nhưng mấy tuần trước, một phụ huynh đứng suốt buổi trước cổng trường D. chờ xem danh sách. Rồi bà lo lắng gọi điện cho ai đó, nghe ra là người môi giới xin cho con bà vào học. Không biết bên kia nói gì mà bà khóc lóc, chửi mắng và đòi lại tiền.
Không ít trường hợp rơi vào cảnh như người phụ nữ trên, họ tìm đến trường hỏi thăm và khóc, bảo tôi đưa tiền cho người đó, người kia mà giờ con tôi không vào được khiến lãnh đạo nhà trường khá phiền lòng. Cũng không hiếm trường hợp, lợi dụng việc các trường có tuyển sinh trái tuyến, các “cò” nắm được thông tin rồi hứa giúp đỡ, may mắn xin được thì kiếm chút ít, không thì thôi chứ không hề có tác động gì.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, đây cũng là vấn đề cử tri rất quan tâm và chất vấn lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố. Hiệu trưởng các trường cũng rất tâm tư. Ông đề nghị: “Với thông tin bên ngoài có những người làm môi giới chạy trường, đề nghị cử tri cung cấp cụ thể địa chỉ, tên tuổi, chứng cứ để các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu. Phát hiện trường hợp nào phải có chế tài xử lý, biện pháp răn đe để chấm dứt tình trạng này”.
Kỳ II: Cuộc đua mệt mỏi