Tiêm phòng uốn ván tại CDC Huế. Ảnh: Bảo Phước |
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trong những năm cuối của thể kỷ 20, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ bị chết vì uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ chết/mắc của uốn ván sơ sinh rất cao, có thể tới trên 80%, nhất là ở trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn. Tỷ lệ chết/mắc của uốn ván từ 10 - 90%, tỷ lệ chết cao nhất ở trẻ nhỏ và người có tuổi. Bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt. Ở Việt Nam, bệnh uốn ván xuất hiện tản phát ở khắp các tỉnh trong cả nước. Từ năm 2005, Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh theo quy mô huyện với tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh dưới 1/1.000 trẻ đẻ sống.
Vi khuẩn uốn ván có mặt ở mọi nơi. Ở những vùng nông nghiệp và những nơi phải tiếp xúc với chất thải của súc vật và không được tiêm phòng đầy đủ, bệnh uốn ván thường gặp nhiều hơn. Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh: nông dân, nhân viên chăn nuôi gia súc, nghiện chích ma túy.
Bệnh uốn ván gây co cứng cơ nhai và các cơ ở mặt làm cho bệnh nhân có nét mặt “cười nhăn”. Co cứng cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương. Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như sau: cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước. Các cơn co giật toàn thân thường xảy ra do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn… Ở trẻ sơ sinh, trẻ đẻ ra bình thường trong 2 ngày đầu, bệnh xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau sinh, gây cứng hàm làm cho trẻ không thể bú được, co cứng toàn thân, người ưỡn cong.
Trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh uốn ván và uốn ván sơ sinh, cần thiết phải tiêm chủng chủ động hoặc tiêm chủng thụ động sau khi bị thương, về sự cần thiết phải thực hiện đẻ sạch, vô khuẩn sản khoa. Tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho tất cả phụ nữ có thai trong xã, kể cả người mẹ của đứa trẻ. Tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho nữ tuổi sinh đẻ (15 - 35 tuổi), tối thiểu là trong thôn/bản hoặc toàn xã nếu thuộc nơi nguy cơ cao. Trao đổi với người đỡ đẻ về vấn đề đẻ sạch. Tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về phòng bệnh uốn ván sơ sinh. Không cần phải cách ly bệnh nhân, xử lý môi trường, xử lý người tiếp xúc.