Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế

Sử dụng cẩn trọng

PGS.TS. Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y – Dược Huế cho biết, tình hình vi khuẩn kháng kháng sinh đang là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Hơn 50% các thuốc kháng sinh được sử dụng trong cộng đồng không có kê đơn; 1/3 bệnh nhân điều trị nội trú sử dụng kháng sinh không đúng và không an toàn. Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thì việc lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt cũng là con đường gián tiếp làm gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh cho con người.

Theo thống kê tại 2 khoa Nội tim mạch và Nội tổng hợp – Nội tiết – Cơ xương khớp, Bệnh viên Trường đại học Y – Dược Huế lần lượt 27% và 38% bệnh nhân khi nhập viện phải có chỉ định sử dụng kháng sinh. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 20.200 viên/lọ kháng sinh được sử dụng cho bệnh nhân tại hai khoa này; trong đó, nhóm Betalactam và Quinolone là 2 nhóm kháng sinh được lựa chọn sử dụng phổ biến. Khoảng 1/3 trong số đó thuộc nhóm kháng sinh “dự trữ” ưu tiên quản lý và cần theo dõi, giám sát sử dụng.

Riêng với Khoa Sản, Bệnh viện Trường đại học Y – Dược Huế, việc sử dụng kháng sinh đối với phụ nữ mang thai là vô cùng hạn chế và phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi loại thuốc này có thể gây tổn hại đến thai nhi trong bụng mẹ. Trong 3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn phôi thai bắt đầu hình thành và phát triển. Nếu dùng thuốc kháng sinh không đúng cách, không đúng liều lượng trong thời kỳ này có thể gây dị tật thai nhi. Từ tháng thứ 4 trở đi là giai đoạn thai phát triển, một số kháng sinh có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

Đại diện Khoa Sản cho hay, nếu không cẩn thận, kháng sinh sẽ gây ra nhiều rủi ro cao đối với thai kỳ. Như nhóm thuốc Cyclin có thể khiến em bé mất màu răng nên không được chỉ định cho thai phụ sử dụng sau khi thai đạt 15 tuần tuổi. Thuốc Sulfa và Trimethoprim dùng để chữa nhiễm trùng tiết niệu hay các tình trạng nhiễm trùng khác. Tuy được đánh giá là khá an toàn cho giai đoạn đầu thai kỳ, không gây dị tật cho thai nhi, nhưng trẻ có thể bị vàng da sau sinh. Nhóm Phenicol có thể gây tác dụng phụ là làm suy tủy, giảm bạch cầu, hội chứng xám ở trẻ em. Nhóm Quinolon gây tổn thương thoái hóa khớp...

Nâng chất lượng điều trị

Dù biết tác hại từ việc sử dụng kháng sinh thiếu an toàn, song trên thực tế nhiều khó khăn được chỉ ra khiến vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển. Đó là việc người dân tự mua kháng sinh để sử dụng. Việc lạm dụng kháng sinh khiến tình trạng bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu do cơ thể không đáp ứng kháng sinh đặc hiệu, thậm chí khiến bệnh chồng bệnh từ “thói quen” này. Các bệnh nhận nặng, đặc biệt là bệnh nhân mắc ung thư, sức khỏe yếu và tuổi già nên khả năng tự kháng sinh không tốt, phải phụ thuộc vào thuốc kháng sinh liều cao. Một khó khăn khác là bác sĩ khi kê thuốc kháng sinh cho bệnh nhân thường dựa trên danh mục thuốc có sẵn tại bệnh viện, cũng như quy định của Bảo hiểm Y tế, nên đôi lúc bác sĩ điều trị không thể lựa chọn loại kháng sinh tốt nhất.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể về tình hình kháng kháng sinh tại Thừa Thiên Huế. Song theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện mỗi năm có khoảng 700.000 ca tử vong do kháng thuốc. Dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc.

Theo PGS.TS. Lê Đình Khánh, qua đánh giá tình hình khám và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viên Trường đại học Y – Dược Huế thời gian qua, tình trạng kháng kháng sinh ngày càng cao, xuất hiện các loại chủng mới, đa kháng. Một số vi khuẩn đã xuất hiện có sức mạnh kháng lại các loại kháng sinh thông dụng, khiến việc sử dụng các loại kháng sinh thông thường không còn hiệu quả. Bệnh nhân nhiễm khuẩn nhiều hơn, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị tăng, nguy cơ tử vong tăng.

PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Trường đại học Y – Dược Huế cho rằng, để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn kháng kháng sinh, đầu tiên là hạn chế sử dụng kháng sinh. Để làm được điều này thì cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp bệnh nhân nhanh lành bệnh, giảm khả năng bị nhiễm trùng phải sử dụng kháng sinh. Cùng với đó là áp dụng những quy trình, kỹ thuật mới vào trong công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Song song là đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế về sủ dụng kháng sinh an toàn.

Bài, ảnh: QUANG SANG