Khi lo lắng thái quá về tương lai thì có thể mắc chứng rối loạn lo âu. Ảnh: MC |
Tìm cách gỡ rối
“Overthinking” tạm hiểu đơn giản là một tình trạng của một ai đó đang suy nghĩ quá nhiều. Những người “overthinking” rất cả nghĩ, hay so sánh, đánh giá và thấy chưa hài lòng hoặc chọn ra được đích đến. Tâm trí của người mắc chứng này luôn rất rối ren vì phải nghĩ đi nghĩ lại vấn đề đã đưa ra trước đó, khiến cuộc sống gặp nhiều phiền toái. “Overthinking” có hai kiểu tư tưởng: một là nghĩ về quá khứ, hai là nghĩ tới tương lai.
Mới đây, tôi hoảng hốt khi thấy K.M., em gái của mình đã 3 ngày không ra khỏi phòng. Hỏi ra mới biết, em áp lực vì chuyện học tập ở trường đại học. Đợt thi học kỳ vừa rồi, em đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi. Thay vì tìm cách giải quyết, em tự dằn vặt bản thân, gần như bỏ bữa và luôn có suy nghĩ rằng mình thua kém mọi người.
“Em kỳ vọng rằng sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi lần này, cũng như đặt niềm tin vào bản thân quá nhiều nhưng khi nhận được kết quả thấp, em rất buồn. Mấy ngày nay, em luôn trong trạng thái hồi hộp, lo lắng và hoài nghi năng lực của bản thân”, K.M. tâm sự.
H.L., một người bạn thân của tôi, trước đây cũng vì chia tay bạn trai mà đau khổ, tự trách móc bản thân rằng mình đã làm gì sai, có gì không tốt mà lại bị người kia đối xử như vậy. Tình trạng ấy cứ tiếp tục kéo dài, H.L. loay hoay tìm cách gỡ rối nhưng càng gỡ lại càng rối, thậm chí đã từng nghĩ đến những điều tiêu cực nhất. Sau đó, H.L. phải tìm gặp bác sĩ tâm lý để điều trị và được chuẩn đoán mắc chứng trầm cảm…
Lắng nghe bản thân
Không chỉ riêng K.M. và H.L., ngày nay, với guồng quay của cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ trở nên thu mình hơn trước những gian truân, thử thách trong cuộc sống. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến “overthinking”, chẳng hạn như: áp lực công việc, học tập; mệt mỏi trong chuyện tình cảm, gia đình; quá cầu toàn trong mọi việc; quá để tâm đến những tiểu tiết... Hay thậm chí có những bản trẻ dễ trở nên bực bội, cáu bẳn chỉ vì suy nghĩ quá nhiều để xem bản thân mình thực sự muốn gì. Ví dụ như: hôm nay ăn gì, mình nên mặc trang phục như thế nào…
N.H, 23 tuổi, đang làm việc cho một công ty tư nhân tại TP. Huế chia sẻ: “Cả buổi sáng, mình không thể tập trung làm việc chỉ vì nghĩ đến việc trưa nay mình sẽ ăn gì, rồi đặt món ở đâu ngon, rẻ…. Đến khi nghĩ ra thì đã quá giờ nghỉ trưa, thế là mình đành nhịn đói để tiếp tục ca chiều. Câu chuyện cứ lặp đi lặp lại khiến mình cảm thấy mệt mỏi, khó chịu nhưng vẫn không biết làm sao để giải quyết”.
Theo TS. Trần Như Minh Hằng, Trưởng phòng khám Sức khỏe Tâm thần và Điều trị tâm lý – Bệnh viện Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế, “overthinking” là biểu hiện của hội chứng rối loạn lo âu. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí là lo lắng rất vô lý. Tình trạng này kéo dài có thể gây suy giảm trí nhớ, trầm cảm và tự kỷ.
“Ngày nay, có rất nhiều người trẻ, tuổi từ 18 đến 25 tìm đến bệnh viện điều trị với những triệu chứng rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực và không tìm ra cách giải quyết vấn đề. Bệnh này ngày càng đáng lo ngại bởi có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn đến những hành vi khó kiểm soát, gây ra những hệ quả nghiêm trọng”, TS. Trần Như Minh Hằng cho hay.
Khi những suy nghĩ trở nên “quá tải”, tốt nhất, chúng ta cần nên bình tĩnh, nhìn nhận lại vấn đề và lắng nghe bản thân nhiều hơn. Nếu không thể giải quyết, chúng ta nên chia sẻ câu chuyện với những người xung quanh để được nghe những lời khuyên. Hạn chế ở một mình để tránh tạo ra những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, những biện pháp như thiền, tập luyện thể thao, ăn uống đúng bữa hoặc làm những việc yêu thích… cũng đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn mỗi khi bản thân gặp áp lực, khó khăn trong cuộc sống.