Quan trắc môi trường nước ở đầm phá Tam Giang 

Với trên 200 nghìn ha rừng tự nhiên, thời gian qua, Thừa Thiên Huế luôn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về năng lực thực hiện các hoạt động về bảo tồn thiên nhiên (BTTN), bảo tồn đa dạng sinh học (BTĐDSH) về rừng.

 Dấu ấn rõ nét nhất là cán bộ ngành kiểm lâm đã tiến hành các nghiên cứu về phát hiện, bảo tồn các loài động, thực vật tại các vùng rừng Trường Sơn. Trong đó, phần lớn nghiên cứu về các loài sao la, hổ, linh trưởng và các nghiên cứu về phát triển cộng đồng, rừng ngập mặn ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai...

Bên cạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu các loài động vật hoang dã quý hiếm, các hoạt động như quản lý, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên kết hợp với cải thiện sinh kế cộng đồng được đẩy mạnh. Đây là sự thay đổi về tư duy quản lý tài nguyên hiện đại của ngành lâm nghiệp theo hướng tiếp cận bảo tồn cảnh quan, góp phần vừa BTTN có hiệu quả vừa tăng khả năng tham gia của cư dân địa phương trong hoạt động quản lý bảo vệ tài nguyên.

Từ những thành công bước đầu về công tác BTĐDSH và hoạt động tích cực của Khu BTTN Phong Điền, Khu Bảo tồn Sao La, Vườn Quốc gia Bạch Mã, mới đây khu BTTN đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được xem là “độc nhất vô nhị” ở khu vực Đông Nam Á đã thành lập với diện tích hơn 2.000ha; trong đó có 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản càng “ghi điểm” trong mắt cộng đồng các tổ chức quốc tế.

 Hiện nay khu BTTN đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn, phát triển hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình và quan trọng tại Việt Nam về bảo tồn, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị sinh học đặc thù. Chính điều này đã xác định thêm những lợi thế để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, kết hợp các loại hình du lịch sinh thái với sự phối hợp giữa người dân và các đơn vị tổ chức du lịch.

Nhờ hoạt động trên, nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), Tổ chức bảo tồn thế giới (IUCN), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)… đã quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực tài chính tài trợ công tác BTĐDSH về rừng, đầm phá, sông hồ ở địa phương.

Trên cơ sở các nguồn lực hỗ trợ, công tác BTĐDSH ở địa phương ngày càng mang lại hiệu quả. Người dân các huyện, thị, thành phố có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động BTTN, có thêm công ăn việc làm, cải thiện sinh kế địa phương. Thông qua việc thực hiện các hoạt động dự án với nước ngoài, hiệu quả quản lý của các khu BTTN Phong Điền, Bảo tồn Sao La... và năng lực của cán bộ địa phương cũng tăng lên rõ rệt. Nhiều mô hình sinh kế về nông, lâm nghiệp ở các xã thuộc huyện miền núi Nam Đông, A Lưới hay ở  vùng đồng bằng Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, TX. Hương Trà… được thiết lập với sự tham gia, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong quản lý BTTN của cộng đồng.

Đó là những mặt thuận lợi không chỉ cho môi trường mà còn phục vụ phát triển kinh tế trên các lĩnh vực công, nông nghiệp ở địa phương theo hướng bền vững mà không ai phủ nhận.

Bài, ảnh: SONG MINH