Tạo xung đột giao thông tại các ngã tư vào giờ tan tầm

Từ lâu cụm từ “An toàn giao thông” đã trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm. Lý do, nếu không đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) thì tai nạn giao thông sẽ là vấn nạn nhức nhối. Điều này ai cũng thấy, cũng rõ nhưng không phải ai cũng sợ, hay sợ nhưng không biết hành vi của mình là vi phạm, gây mất ATGT.

Thời gian qua, cứ đến hẹn lại lên, hàng năm việc tuyên truyền đảm bảo ATGT được các ban, ngành chức năng chú trọng triển khai đến với mọi người dân. Những khẩu hiệu xây dựng “Văn hóa giao thông”, rồi “Văn hóa giao thông an toàn” được nhắc đi nhắc lại không còn lạ lẫm. Xây dựng “Văn hóa giao thông” chủ yếu tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, nhưng khi nói đến “Văn hóa giao thông an toàn” được xây dựng bao hàm nhiều vấn đề liên quan, từ nhận thức của người dân đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan, ngành chức năng.

Hiệu quả thấy rõ nhất gần đây là các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm khắc xử lý vi phạm, không có vùng cấm; đồng thời khung xử lý vi phạm và hình thức xử lý được quy định cao hơn trước nên người dân khi tham gia giao thông đều lo cho mình “an toàn”.

Sự tích cực tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm góp phần không nhỏ việc đảm bảo ATGT, dù có thể đến từ việc một số người sợ bị phạt tiền, giam giấy phép lái xe, chứ chưa hẳn vì ý thức được sự an toàn cho mình và người khác trước tai nạn giao thông. Đơn cử như chuyện “Không lái xe khi uống rượu bia”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe” thực sự đã “thấm” vào không ít người.

Hàng năm đã có không ít công văn, kế hoạch, chỉ thị của tỉnh ban hành để thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT trên địa bàn. Riêng năm nay, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Năm ATGT với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, rồi đến Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ trong tình hình mới. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đổi mới theo hướng lấy thay đổi hành vi của người dân khi tham gia giao thông làm tiêu chí đánh giá kết quả.

Lực lượng chức năng không chỉ thanh, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm của người tham gia giao thông mà chú trọng hơn xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Có những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông mà ít ai để ý và ngay cả người gây ra có khi cũng không biết là do mình. Trường hợp như hành vi đậu đỗ ô tô lấn đường hay đậu xe tại các ngã ba, ngã tư che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông khiến xảy ra va chạm. Với trường hợp này có thể người lái xe đậu đỗ ô tô không đúng quy định, hoặc do ý thức kém và cũng có thể không nắm được quy định pháp luật về giao thông do công tác đào tạo, học lái xe không bài bản…

Không ít lần tại các hội nghị giao ban ATGT cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đều lưu ý, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi người tham gia giao thông vi phạm, phải chú trọng đến việc khắc phục những hạn chế, vướng mắc về hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông. Đồng thời, kiên quyết điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân không tiếp thu khắc phục những kiến nghị chính đáng hoặc không kịp khắc phục để xảy ra tai nạn giao thông.

Có “Văn hóa giao thông an toàn” là giải pháp quan trọng nhất kéo giảm tai nạn giao thông. Thế nhưng để hình thành, duy trì được nếp hay không, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành chức năng, quan trọng vẫn là ý thức của người tham gia giao thông.

Mỗi người hãy “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. ATGT là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.

Bài, ảnh: MINH VĂN