Sinh viên Sư phạm Lịch sử, Trường đại học Sư phạm tìm hiểu lịch sử tại bảo tàng |
Không ngờ cao như thế
Ngày 22/8, Hội đồng Tuyển sinh Đại học Huế công bố điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) đợt 1 tuyển sinh vào đại học hệ chính quy năm 2023 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 (điểm thi) và phương thức xét điểm thi kết hợp với kết quả thi năng khiếu hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Gây bất ngờ nhất chính là ngành Sư phạm Lịch sử, Trường đại học Sư phạm khi có mức điểm chuẩn cao nhất toàn Đại học Huế với 27,6 điểm. Cùng với đó, hai ngành có môn lịch sử trong tổ hợp xét tuyển là Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Địa lý cũng có điểm chuẩn cao kế tiếp khi lần lượt là 27,35 và 26,3 điểm.
Sau khi có điểm chuẩn, không ít thí sinh tỏ ra “sốc”, không thể tin vào sự thật rằng điểm chuẩn lại cao đến như thế. Mai Lan, thí sinh ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh chia sẻ trên diễn đàn của Trường đại học Sư phạm rằng, năm ngoái ngành Sư phạm Lịch sử lấy 25 điểm, năm nay lấy đến 27,6 điểm. Mai Lan thi được 27 điểm, nhưng cũng không thể đậu ngành Sư phạm Lịch sử.
Trong khi đó, Nguyễn Văn Tuấn, TP. Huế cũng chưa hết bất ngờ sau hơn một ngày nhận được kết quả điểm chuẩn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Tuấn thi được 26,5 điểm cho ba môn văn học, lịch sử và địa lý. Cứ nghĩ là nắm chắc cơ hội đậu Sư phạm Lịch sử, nhưng không ngờ lại thiếu đến 1,1 điểm. Tuấn có đăng ký xét tuyển thêm ngành Sư phạm Công dân và đã đậu khi lấy 25,6 điểm chuẩn.
Trường đai học Sư phạm thông tin, năm nay, trường nhận hơn 6.000 hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Riêng với ngành Sư phạm Lịch sử, khi trường tiến hành lọc ở mức 24 điểm thì có đến 198 em đạt được điểm này. Do chỉ tiêu năm nay với ngành là 20 nên khi đưa điểm chuẩn lên cao ở mức 27,6 mới vừa đủ chỉ tiêu cho phép. Như thế, mỗi thí sinh phải đạt trung bình mỗi môn 9,2 điểm mới đậu, đây con số “khủng” với các môn như Văn học, Lịch sử và Địa lý.
Theo Trường đại học Sư phạm, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường chỉ còn 1.044 chỉ tiêu. So với năm 2022, con số này chỉ gần bằng 40% (2.700 chỉ tiêu). Hiện học ngành sư phạm sẽ được áp dụng theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Sinh viên khi theo học sư phạm sẽ được miễn học phí 100% và được hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng. Chỉ tiêu thấp mà nhu cầu đăng ký xét tuyển tăng nên khiến nhiều ngành có điểm chuẩn tăng cao như thế, nhất là Sư phạm Lịch sử. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử mà ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất toàn Đại học Huế.
PGS.TS. Hoàng Chí Hiếu, Phụ trách Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm đánh giá, xét về toàn Trường đại học Sư phạm có thể đánh giá như trên, song riêng với ngành Sư phạm Lịch sử, đây chỉ là lý do nhỏ khiến điểm chuẩn tăng cao như thế. Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn trường giảm mạnh, nhưng ngành Sư phạm Lịch sử năm ngoái chỉ tiêu 25, năm nay là 20, giảm 5 chỉ tiêu. Nhìn rộng hơn, không chỉ có Trường đại học Sư phạm Huế mà hầu hết ngành Sư phạm Lịch sử trong cả nước, như ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên… đều tăng mạnh và dẫn đầu về điểm chuẩn toàn trường. Điều này có thể khẳng định, chất lượng đào tạo và học lịch sử ở học sinh đang tốt lên.
Sự trở lại của ngành Sư phạm Lịch sử
Sau khi có điểm chuẩn năm 2023, Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế cũng có nhận định rằng, đây là một tín hiệu vui cho ngành Sư phạm Lịch sử, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho việc đào tạo sư phạm như hiện nay. Qua đó, cũng khẳng định sự quan trọng của môn lịch sử trong giáo dục, đặc biệt khi lịch sử là môn bắt buộc trong hệ đào tạo THPT hiện nay. Điều này cũng tăng cơ hội việc làm lớn hơn cho sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử sau khi tốt nghiệp ra trường.
Thời gian trước, vào những năm 1998 đến khoảng năm 2002, đó là thời điểm mà điểm chuẩn vào Trường đại học Sư phạm với ngành Sư phạm Lịch sử luôn thuộc “top” đầu của trường. Sau đó, ngành này mất dần vị thế và ít được quan tâm. Sau 20 năm, Sư phạm Lịch sử đã quay trở lại là ngành có điểm chuẩn thuộc “top” đầu trong tuyển sinh. Qua theo dõi điểm chuẩn những năm qua, điểm Sư phạm Lịch sử luôn dẫn đầu trong 3 năm qua và điểm năm sau tăng so với điểm năm trước.
PGS.TS. Hoàng Chí Hiếu đánh giá, sự trở lại của lịch sử là điều đáng mừng, được xã hội xem trọng. Thậm chí dư luận đặc biệt quan tâm để trả lịch sử đúng với vị trí của mình trong môi trường học đường và đời sống xã hội. Khi lịch sử được xã hội quan tâm thì việc yêu thích và thi đạt điểm cao cũng là điều dễ thấy. Như trước đây, khi lịch sử được tích hợp vào môn khoa học xã hội, thì dư luận đã “dậy sóng” để trả lại môn lịch sử trong chương trình đào tạo THPT. Sau đó, môn lịch sử được cơ cấu xác định thành môn tự chọn, dư luận cũng lên tiếng gay gắt nên đã chuyển từ môn tự chọn thành bắt buộc trong THPT. Ngược lại, khi môn địa lý nhập vào lịch sử thành môn khoa học xã hội, hay các môn hóa học, vật lý, sinh học nhập lại thì không có nhiều ý kiến.
Với góc độ đào tạo của Trường đại học Sư phạm, PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường cho rằng, điểm chuẩn cao chứng tỏ các em quan tâm và yêu thích lịch sử nhiều hơn. Đó là điều đáng mừng chung khi thế hệ trẻ yêu thích lịch sử nước nhà. Còn với riêng nhà trường, khi tuyển được những em sinh viên giỏi thì chất lượng học tập và đào tạo sẽ tăng lên. Khi chất lượng tăng, thương hiệu của trường cũng sẽ thêm phần khẳng định.