Giáo sư Trần Ích Nguyên thảo luận cùng cộng sự về Cống Thảo Viên tập |
Cho đến thời điểm 2009, các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn cho rằng Cống Thảo Viên tập đã thất truyền, không ai biết được hình thức và nội dung của tác phẩm này như thế nào. Tuy nhiên, vào tháng 6/2021, trong cuộc tọa đàm khoa học trực tuyến: “Gặp gỡ Việt Nam, góc nhìn liên ngành từ Đài Loan và Kim Môn”, diễn giả Trần Ích Nguyên - Giáo sư khoa Văn học Trung Quốc - Đại học Quốc Thành Công (Đài Loan) đã chia sẻ câu chuyện về việc ông phát hiện ra Cống Thảo Viên tập. Theo Giáo sư, tác phẩm này được chính anh trai của Nguyễn Phúc Miên Cư (Miên Thẩm) in với số lượng ít, và nó đã được ghi lại trong các tài liệu dưới thời nhà Thanh. Ông cũng đã có nhiều năm cố gắng tìm kiếm tác phẩm này ở Trung Quốc cũng như nhiều thư viện khác ở Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ nhưng đều không có kết quả. Điều bất ngờ thú vị là di cảo thơ này cuối cùng lại tìm được ngay tại Thư viện Quốc gia Đài Loan, vốn trước đó được thu thập bởi Phan Tổ Âm, một nhà văn Giang Tô (Trung Quốc).
Tại Việt Nam, cuối năm 2021, tác giả Nguyễn Thanh Lộc đã cung cấp thêm những thông tin cụ thể hơn thông qua bài viết Chùa Diệu Đế và hai bài thơ liên quan vừa được tìm thấy trong Cống Thảo Viên tập của Nguyễn Phúc Miên Cư, đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Nghiên cứu này cho biết, Cống Thảo Viên tập đang lưu giữ tại Thư viện Quốc Gia Đài Loan (dưới số hiệu 13519) được khắc vào năm Giáp Dần thời Tự Đức (1854), tương ứng với năm Hàm Phong thứ 4 đời nhà Thanh. Thi tập này gồm 103 bài thơ, 2 bài tự - bạt của Miên Thẩm và 4 câu bị khuyết, trích từ các bài thơ đã bị thất lạc. Ngoài ra, còn có những bài xướng họa của những nhà thơ khác thuộc hoàng thân quốc thích nhà Nguyễn, phản ánh lối sống tiêu dao của những người thuộc tầng lớp hoàng tộc.
Đặc biệt, thông qua lời bạt, có thể thấy được niềm tiếc thương cùng sự cảm phục tài năng văn chương của Nguyễn Phúc Miên Thẩm với người em trai cùng cha khác mẹ của mình: “Vườn tên Cống Thảo, trộm lấy văn trong sách Chu Lễ, bút thể sinh hoa, tự mình trứ tác tập Hán Phiên, ba lần ngâm kén rút tơ, từng câu như từng sợi từng sợi tơ mành đỏ xanh đen vàng hợp thành một quyển, từng chữ từng chữ được biên thành thể như lan tôn chỉ huệ. Nhưng mà Trần Thư (Tào Thực) không được dùng, hoảng hốt mà thành bệnh sầu; Hoài Nam (tức Lưu Ôn) tư thương thân, hoặc nương tựa mà tìm người ẩn dật. Ghét kẻ gian tà trái thói đời, thường thấy trong bài thơ; cưỡi hạc, thổi tiêu, thành câu thơ sấm. Thơ ông có nói rằng: “Sầu nặng chợt sinh nhớ Y Lạc, Thổi tiêu cưỡi hạc tạ người đời”. Đại để là vì dụng tâm quá khổ, vốn dĩ tinh thần có chỗ bất kham, lo quá thành ốm, cho nên hưởng tuổi trời chẳng được lâu”.
Cuối tháng 7/2023, mang theo bản sao của Cống Thảo Viên tập từ Đài Loan, Giáo sư Trần Ích Nguyên đã đến thắp hương, viếng mộ Quảng Trạch Quận công Miên Cư tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Đánh giá cao giá trị của tập thơ Cống Thảo Viên và với mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa Đài Loan và Việt Nam, Giáo sư Trần Ích Nguyên đang phối hợp với các giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội triển khai dự án dịch thuật và xuất bản tác phẩm này. Nếu được xuất bản đúng tiến độ vào năm 2024, thì đây là việc làm đầy ý nghĩa kỷ niệm 170 năm ngày mất của Nguyễn Phúc Miên Cư và cũng là 170 năm ấn phẩm Cống Thảo Viên tập được khắc in lần đầu. Đồng thời, việc phát hiện và phổ biến tác phẩm Cống Thảo Viên tập góp phần làm phong phú, tăng thêm giá trị cho kho tàng văn học chữ Hán Việt Nam nói chung, cũng như phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam dưới thời Nguyễn nói riêng.