Việc hoãn thi hành một số điều tại Thông tư 06 tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp |
Doanh nghiệp và ngân hàng được “cởi trói”
Cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng nhằm kiểm soát rủi ro của hệ thống ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh một số hoạt động cho vay và Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.
Thông tư số 06 bổ sung thêm 4 trường hợp khách hàng có nhu cầu vốn không được cho vay, bao gồm: vay vốn ngân hàng để gửi tiết kiệm; vay vốn để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; vay vốn để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh vào dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh; vay vốn để bù đắp tài chính.
Sau khi Thông tư 06 được ban hành, nhiều doanh nghiệp lo lắng những quy định về nhu cầu vốn không được cho vay này sẽ trở thành rào cản trong tiếp cận tín dụng. Những quy định này cũng đang đi ngược với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trước đó, như giảm lãi suất điều hành, yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực giảm lãi suất cho vay.
Một doanh nghiệp chia sẻ, vay vốn ngân hàng để gửi tiết kiệm là một trong những trường hợp nên cấm cho vay. Tuy nhiên, với 3 trường hợp khác thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Ví dụ, doanh nghiệp không được vay vốn để thanh toán tiền góp vốn để thực hiện dự án đầu tư khi không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh là thế khó cho doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư, thậm chí đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, chưa được huy động vốn của khách hàng nếu không được vay vốn thì sẽ gây tắt nghẽn trong quá trình đầu tư.
Đó là thời điểm, doanh nghiệp cần vốn để đẩy nhanh tiến độ, thủ tục, nhanh chóng hoàn thiện đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh. Còn đợi đến khi dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh thì hầu như doanh nghiệp không còn hoặc ít nhu cầu vốn. Bởi lúc này, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ khách hàng và các nguồn khác một cách hợp pháp với lãi suất rẻ thậm chí là không có lãi suất. Việc không cho vay để bù đắp tài chính cũng cần phải được xem xét lại bởi đây là nhu cầu thực tế và chính đáng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, với mức tăng trưởng tín dụng thấp chỉ 2,09% trong 7 tháng đầu năm, với tổng dư nợ tín dụng ước đạt 75,9 nghìn tỷ đồng thì những quy định này còn trở thành rào cản tăng trưởng cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Trước những lo lắng này của cộng đồng doanh nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, bỏ các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản tại Thông tư 06 trước ngày 25/8 tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng. Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo và ban hành Thông tư 10 ngừng hiệu lực thi hành một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06 đến khi có thông báo mới.
Thông tư 06 bổ sung thêm 4 trường hợp khách hàng có nhu cầu vốn không được cho vay |
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thông tin, Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9 bổ sung quy định về cho vay phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đồng thời, thông tư cũng bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10 ngày 23/8 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10, điều 8 của Thông tư số 39/2016.
Ngoài ra, để tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn đồng thời tạo động lực trong tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến giảm lãi suất. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiết giảm chi phí, giảm chi tiêu, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.