Trồng rừng gỗ lớn đang được người dân Phú Lộc hưởng ứng |
Dân vận bằng việc làm cụ thể
Ông Hồ Đa Thê ở xã Lộc Bổn sau khi được các hội, đoàn thể động viên tinh thần, tạo điều kiện về vốn đã từng bước mở rộng diện tích rừng trồng keo. Gần đây, khi rừng gỗ nhỏ bắt đầu khó khăn về đầu ra, ông Thê theo lời vận động của các cấp, ban ngành đã từng bước bước chuyển sang trồng keo gỗ lớn. Lợi ích trồng keo gỗ lớn thấy rõ, mỗi ha lãi cao gấp đôi, gấp ba lần so với rừng gỗ nhỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Thê.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, ông Thê còn đến tận từng hộ trồng rừng để giải thích lợi ích của trồng rừng gỗ lớn để bà con làm theo. Với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, đến nay, hàng trăm hộ ở Lộc Bổn và các vùng lân cận ở Phú Lộc nghe theo ông Thê chuyển sang trồng rừng gỗ lớn. Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc ra đời, do ông Thê làm giám đốc đã hỗ trợ các thủ tục pháp lý, hợp đồng với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng gỗ lớn cho người dân. Rừng trồng gỗ lớn lại Lộc Bổn nói riêng và nhiều đia phương trên địa bàn tỉnh không chỉ giúp dân mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn hướng đến phát triển rừng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tại xã Lộc Bổn còn có mô hình “15+1” (15 hộ có điều kiện giúp đỡ 1 hộ nghèo) được triển khai từ năm 2015 đến nay, đang tạo niềm tin và sức lan toàn trong công tác dân vận tại Lộc Bổn và nhiều địa phương ở Phú Lộc. Lúc đó, số hộ nghèo toàn xã Lộc Bổn còn khá nhiều. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể quyết tâm không để ai bỏ lại phía sau. Qua tham khảo, nghiên cứu vận dụng các mô hình, mô hình “15+1” có tính nhân văn, dễ thực hiện, dễ huy động nguồn lực để giúp đỡ hộ nghèo vượt qua khó khăn,
Từ một nhóm hộ giàu, khá giả đã giúp đỡ thiết thực cho một hộ nghèo, khó khăn, yếu thế trong xã hội, trên tinh thần nghĩa tình đồng chí, đồng đội, đồng bào... hoàn toàn tự nguyện. Đến nay, nhóm hộ này giúp đỡ hàng trăm triệu đồng, nhiều vật chất, tinh thần cho nhiều hộ nghèo cùng vươn lên trong cuộc sống. Mô hình này đang được tiếp tục duy trì, nhân rộng trên địa bàn xã Lộc Bổn và nhiều địa phương khác.
Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Lộc, ông Hồ Sỹ Định đánh giá, từ phong trào “Dân vận khéo”, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Phong trào dân vận còn tạo động lực, khích lệ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình trẻ, lực lượng thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Thống kê mới nhất, trên địa bàn huyện Phú Lộc có gần 100 mô hình kinh tế lớn, nhỏ của lực lượng thanh niên. Nhiều mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đến trên 300 triệu đồng/năm.
Hướng đến văn minh và nhân văn
Ông Phan Như Ý, Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ thông tin, qua một thời gian tuyên truyền, vận động, từ năm 2019, tại xã Vinh Mỹ thành lập nhóm zalo “Nhân dân và cán bộ xã Vinh Mỹ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Từ số ít thành viên tham gia ban đầu, đến nay nhóm này có đến 557 thành viên tham gia với hơn 1.000 bài viết chia sẻ về các biện pháp, giải pháp bảo vệ an ninh tại địa phương. Thông qua nhóm này còn giúp bà con Nhân dân tại địa phương nâng cao nhận thức, cảnh giác với các loại tội phạm và còn là kênh giúp người dân thông tin, phản ánh kịp thời các sự việc đến với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Đây còn là mô hình nhóm zalo đầu tiên của Công an tỉnh và có sức lan tỏa, từng bước nhân rộng trên địa bàn tỉnh, được UBND tỉnh tặng bằng khen vào năm 2020.
Tại xã Vinh Mỹ còn thành lập mô hình “Dòng họ ba quản” (tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự), đó là họ Đoàn ở thôn 3. Đến nay, mô hình đã thật sự đi vào cuộc sống, hoạt động có nề nếp và hiệu quả. Các trưởng họ, chi, phái thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở con cháu ngoài việc chấp hành các quy định của họ tộc còn phải nỗ lực xây dựng dòng họ văn hóa, bài trừ hủ tục và tệ nạn xã hội. Con dân phải gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, xây dựng dòng họ tương thân tương ái, không có bạo lực gia đình và bạo hành trẻ em, xây dựng gia đình văn hóa, con cháu hiếu học.
Vinh Hưng, một trong những địa phương điển hình của tỉnh thực hiện có hiệu quả mô hình “Xây dựng đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp” theo Chỉ thị 24 và 07 của Tỉnh ủy. Qua hoạt động dân vận, mô hình được người dân hưởng ứng vì chính bà con là chủ thể, hưởng lợi. Điển hình tại thôn Lương Viện từ năm 2020 đến nay đã đầu tư xây dựng tuyến đường dài gần 1km. Tuyến đường có đầy đủ hệ thống điện thắp sáng, có bồn hoa, cây xanh tỏa bóng mát, lắp ghế đá phục vụ người dân tham gia hoạt động thể dục thể thao. Mô hình này sau đó được nhân rộng tại Vinh Hưng và nhiều địa phương ở Phú Lộc.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lộc, bà Cái Diệu Trang chia sẻ, mô hình “Hướng dương đón nắng” được Hội triển khai từ năm 2022 đến nay mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được toàn thể Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ngay sau chương trình được phát động, Hội tổ chức gặp mặt mẹ đỡ đầu của các cháu mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ ngày đầu triển khai đã đón nhận hơn 20 trẻ và sau đó có sức lan toả, các mẹ tiếp tục nhận đỡ đầu các cháu nhỏ mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Đến nay, có 38 mẹ nhận đỡ đầu cho 192 trẻ cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi với mỗi tháng từ 100-300 ngàn đồng/cháu và các nhu yếu phẩm khác như áo quần, sách vở, học phí... với tổng số tiền đã chi hơn 2,1 tỷ đồng.
Ông Hồ Sỹ Định, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Lộc trao đổi, huyện luôn xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, các hội, đoàn thể và tầng lớp nhân dân. Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", bước đầu có sức lan tỏa trong các tổ chức của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Phong trào dân vận được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng nên huy động được các nguồn lực đóng góp của Nhân dân vào phát triển kinh tế, xã hội như xây dựng nông thôn mới, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chăm lo lợi ích chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.