Các đơn vị đo lường chất lượng thẩm định chất lượng chương trình đào tạo của Đại học Huế |
Đủ pháp lý
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị những năm vừa qua luôn giữ ổn định. Đặc biệt, trong giai đoạn đến, nhu cầu về nguồn nhân lực của Quảng Trị là rất lớn để đáp ứng cho sự phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp, cảng hàng không... Tỉnh cũng đang trong quá trình mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển trên hành lang kinh tế Đông - Tây, mà nguồn nhân lực là những thách thức lớn của tỉnh.
Lâu nay, phần lớn học sinh Quảng Trị sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Đại học Huế gần như là lựa chọn đầu tiên khi học đại học. Dù hai địa phương gần nhau, song việc có trường đại học ngay tại Quảng Trị sẽ giúp rất nhiều học sinh có cơ hội học đại học, mở ra cơ hội cho tương lai, nhất là những học sinh còn khó khăn về điều kiện kinh tế.
Trước những yêu cầu mới, Ban Chỉ đạo và Ban Xây dựng đề án sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vào Đại học Huế và phát triển thành trường đại học thành viên của Đại học Huế đã được thành lập. Mục đích là để tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan cho việc sáp nhập.
Từ năm 2006, khi thành lập Phân hiệu Đại học Huế tại tỉnh Quảng Trị, nội dung này đã được tính đến và được xem là điều kiện tiên quyết để thành lập phân hiệu. Qua nhiều thế hệ, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đã đề cập nhiều đến nội dung xúc tiến việc có một trường đại học tại tỉnh Quảng Trị và cho đến nay, mọi cơ sở pháp lý đã đầy đủ.
“Đây là thời điểm chín muồi với đầy đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để triển khai đề án xây dựng một trường đại học thành viên Đại học Huế tại tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là điều phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Trị. Đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh”, ông Hoàng Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho rằng, trường với lịch sử gần 60 năm phát triển được xem là “cái nôi” đào tạo nguồn giáo viên cho tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, theo các quy định mới của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, việc thành lập trường đại học thành viên của Đại học Huế tại Quảng Trị là đáp ứng nguyện vọng của cán bộ giảng viên nhà trường, giải quyết những khó khăn hiện tại khi Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị kết thúc nhiệm vụ đào tạo giáo viên bậc tiểu học.
Ở một khía cạnh khác, tại tỉnh Quảng Trị đang có 2 cơ sở đào tạo như đã đề cập, là Phân hiệu Đại học Huế tại tỉnh Quảng Trị và Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Đây là hai đơn vị có cơ sở vật chất khá tốt, đội ngũ cán bộ giảng viên dồi dào. Cùng với sự hỗ trợ của Đại học Huế, các trường thành viên và khoa trực thuộc sẽ giải quyết được những yêu cầu về đội ngũ giảng viên giảng dạy, cả số lượng và chất lượng.
Phối hợp để sớm triển khai
Mặc dù đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để xây dựng và phát triển trường đại học thành viên Đại học Huế tại tỉnh Quảng Trị, nhưng thực tế cho thấy còn tồn tại không ít những thách thức. Đồng thời, cần sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ trong Ban Chỉ đạo và Ban Xây dựng đề án này. Đó là các thủ tục pháp lý, lựa chọn mô hình, ngành đào tạo, tìm đầu vào cho trường...
Được biết, trong thời gian đến, Ban Xây dựng đề án sẽ nghiên cứu và đưa ra lộ trình cụ thể cho việc xây dựng đề án sáp nhập. Cùng với đó là hoạch định chiến lược, quy hoạch, dự báo, lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện đề án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến đề án hoàn thiện vào tháng 12/2023.
Ông Hoàng Nam khẳng định, Quảng Trị sẽ đồng hành cùng Đại học Huế không chỉ trong giai đoạn xây dựng đề án mà còn cả giai đoạn vận hành, bằng những nguồn lực trực tiếp hoặc gián tiếp; bằng các cơ chế chính sách thu hút nhân tài, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tỉnh sẽ hỗ trợ ngân sách trong việc mở các ngành đào tạo đáp ứng sự phát triển của Quảng Trị. Chính sách học bổng cho sinh viên trong nước và cả sinh viên quốc tế, như Lào, Campuchia, Thái Lan. Phối hợp đề xuất các chương trình liên kết đào tạo nhằm tạo ra sự khác biệt ngoài các ngành truyền thống, thế mạnh của Đại học Huế hiện nay.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế khẳng định, với mục tiêu phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, Đại học Huế có nhiệm vụ chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho vùng mà còn cho cả nước. Với lợi thế là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa dạng các loại hình đào tạo, với nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế, nguồn lực, đặc biệt là sự ủng hộ của tỉnh Quảng Trị, việc thành lập trường đại học thành viên Đại học Huế tại tỉnh Quảng Trị, đào tạo đa ngành là hoàn toàn khả thi.
Theo ông Phương, bên cạnh việc phát huy vai trò của đơn vị đào tạo, tạo ra nhân lực chất lượng cho khu vực, Đại học Huế còn khẳng định vị thế, thúc đẩy xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, đóng góp cho Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.