Mô hình về một đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai gần đã được định hình 

Nhận diện thách thức

Vì sao Thừa Thiên Huế chưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương? – Đó là câu hỏi biết bao thế hệ lãnh đạo, người dân của tỉnh đang nỗ lực tìm câu trả lời.

Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020” đã chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì mục tiêu cơ bản đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được.

Đi sâu vào phân tích các chỉ tiêu đã lộ rõ nhiều hạn chế, nổi bật là thu ngân sách Nhà nước còn thấp, đặc biệt trong đó ngành du lịch - dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ngoài ra, việc chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đề án phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đề án xây dựng thành phố Festival, xây dựng cơ chế thành phố di sản là hạn chế lớn.

Thu hút vốn đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sự hợp tác liên kết với các địa phương trong vùng vẫn chưa hiệu quả...

Hiện nay, trong tiến trình thực hiện NQ 54 của Bộ Chính trị, những thách thức trước mắt là không hề nhỏ. Đối chiếu với các chỉ tiêu NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 có 4 chỉ tiêu khó đạt.

Trong đó, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 7,5 - 8,5%, đến nay chỉ đạt 7,3%/năm. GRDP bình quân đầu người kế hoạch đến năm 2025: 3.500 - 4.000 USD, đến nay chỉ đạt gần 2.700 USD. Cơ cấu kinh tế hiện tỷ trọng dịch vụ 47,56% - công nghiệp và xây dựng 33,12% - nông nghiệp 10,77% - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8,55%, song kế hoạch đề ra dịch vụ chiếm 53 - 54% GRDP; công nghiệp và xây dựng 31 - 32%; nông nghiệp 7 - 9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6 – 7%...

Tại nhiều buổi làm việc với tỉnh, lãnh đạo các bộ, ngành cũng chỉ rõ những hạn chế hiện hữu. Điển hình là kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô kinh tế còn nhỏ; chưa thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế lớn đến đầu tư. Một số công trình di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành một số lĩnh vực. Đời sống vật chất của một bộ phận người dân còn khó khăn. Thu ngân sách chưa bảo đảm tự cân đối, cơ cấu nguồn thu thiếu bền vững…

Công tác giảm nghèo cũng là một thách thức lớn khi A Lưới vẫn thuộc nhóm danh sách các huyện nghèo của cả nước. Điều này khiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải chỉ đạo tỉnh cần quan tâm đến công tác giảm nghèo ở A Lưới, xem đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.

Hình hài đô thị trực thuộc Trung ương

Giải quyết những tồn tại là điều chắc chắn phải làm, song cùng với đó định hướng đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai cũng đã được tỉnh định hình.

Mô hình đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 9 đơn vị hành chính với 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Dự kiến khu vực nội thành bao gồm 2 quận; có 3 đô thị thuộc hệ thống đô thị trực thuộc tỉnh. Năm 2030, thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, có 9 đơn vị hành chính với 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện.

Sau những lần "lỡ đò", chính quyền lẫn người dân có niềm tin lớn về một mô hình đô thị trực thuộc Trung ương. Những tên gọi dự kiến cho tương lai cũng đã được đề xuất. Lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định, những tên gọi ấy trên cơ sở nghiên cứu, lựa chọn những danh xưng nổi tiếng, mang đậm bản sắc văn hóa gắn với vùng đất Huế.

Dù vậy, trước mắt, việc hoàn thiện một đô thị mới đang là vấn đề gấp rút. Kết luận về buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu rõ, cần làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế. Chú trọng phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thừa Thiên Huế phải biến di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhiều lần khẳng định, NQ 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các NQ của Quốc hội, Chính phủ được ban hành là sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho Huế, là định hướng quan trọng và là kim chỉ nam để Huế phát triển đúng với đặc trưng, thế mạnh của mình.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã ban hành 4 NQ về xây dựng, phát triển 4 trung tâm cùng với các NQ chuyên đề khác về phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, chuyển đổi số… để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện.

Để thực hiện thành công các NQ của Bộ Chính trị, Quốc hội, tỉnh tập trung xây dựng trung tâm văn hóa, du lịch với trọng tâm là triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phù hợp với thực tiễn địa phương. Triển khai đồng bộ các giải pháp trùng tu, bảo tồn hệ thống di tích, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa theo hướng nguyên bản, đồng bộ. Vận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua, trong đó, chú trọng huy động và phát huy hiệu quả Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Đối với xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp bảo đảm quy hoạch mạng lưới trường, lớp và cơ sở đào tạo theo hướng thu gọn đầu mối, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, dân cư. Đặc biệt, phát triển Đại học Huế trở thành đại học quốc gia. Song hành với đó là xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu và trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc với các nhóm giải pháp căn cơ.

Trong đó, đáng chú ý là nhóm giải pháp tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và cụ thể hóa NQ của Bộ Chính trị phù hợp với thực tiễn địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ trong đổi mới và phát triển bền vững. Phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, ý thức giữ gìn, bảo vệ giá trị văn hóa, di sản của Thừa Thiên Huế nói riêng, của quốc gia nói chung trong toàn Đảng, toàn dân.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữa thành thị và nông thôn và phù hợp với đặc thù riêng có của Thừa Thiên Huế.

Tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông một cách đồng bộ. Phát triển nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là nguồn nhân lực trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ.

Tạo sự gắn kết của khoa học công nghệ với giáo dục - đào tạo, y tế và văn hóa du lịch. Đẩy mạnh hợp tác giữa các trung tâm, viện nghiên cứu của tỉnh với các cơ quan Trung ương trên địa bàn.

Phát huy vai trò động lực, đẩy mạnh liên kết với các địa phương, nhất là khai thác thế mạnh của các vùng đất giàu tiềm năng văn hóa, du lịch. Ngoài ra, việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cũng được chú trọng…

Bài, ảnh: LÊ THỌ