Đổ xăng xong, đóng nắp, hạ cốp xe, cậu bé làm rơi chìa khóa xe vào trong. Cậu bé lắc mạnh chiếc xe, nghe tiếng kêu leng keng của chiếc chìa khóa, nhưng không biết nó nằm ở phần nào trong xe.

Cậu bé “cầu cứu” những người đổ xăng gần đó, nhưng đành chịu. Không có chìa khóa xe để nổ máy, cậu bé gồng mình đẩy chiếc xe tìm quán sửa, chữa xe máy để nhờ mở cốp xe, tìm chiếc chìa khóa.

Hơn 19 giờ 30 phút tối, cậu bé đẩy chiếc xe qua cầu Ông Thượng, phường Phú Thượng (TP. Huế) mồ hôi nhễ nhãi. Theo sự hướng dẫn của những người lớn tuổi đi tập thể dục trên đường, cậu bé tìm đến một tiệm sửa, chữa xe máy gần đó.

Vì cậu bé cũng trạc tuổi con tôi, nên tôi cũng rất quan tâm. Thấy cậu bé lâm vào hoàn cảnh như vậy, tôi hỏi: “Con có tiền để đến tiệm sửa xe không?” Cậu bé ấp úng rồi trả lời: “Con còn 3 chục ngàn”.

“Liệu có đủ để trả tiền công cho người sửa chữa xe máy không?”. Câu hỏi của tôi đã làm cho những người lớn đi bộ thể dục buổi tối lúc này chú ý. Một dì lớn tuổi lận trong cạp quần ra tờ tiền 100 ngàn đồng, đưa cho cậu bé. “Dì cho con tiền. Con cầm lấy mà trả tiền xe”. Cậu bé từ chối và trả lời: “Họ cạy ra một xíu, chắc cũng không nhiều tiền mô. Con có đây rồi”.

Một hồi thuyết phục, cậu bé cũng đồng ý nhận lấy số tiền mà dì lớn tuổi đưa cho. Không quên cảm ơn lòng tốt của dì, cậu bé tiếp tục dắt chiếc xe hướng về phía tiệm sửa, chữa xe máy. Trên đường, câu chuyện giữa tôi và cậu bé càng làm cho quãng đường dường như ngắn lại. Thấy tiệm sửa xe trước mặt, mắt cậu bé sáng lên. Dựng chiếc xe máy, cậu bé thở dốc, mồ hồi ướt đẫm áo.

Tôi bước vào tiệm sửa, chữa xe máy, chưa kịp trình bày giúp cháu bé thì, người đàn ông trong tiệm đã xua tay: “Giờ ni nghỉ rồi. Chịu không làm chi được. Chịu, chịu…”. Tôi trình bày: “Cháu đổ xăng, chìa khóa xe rơi vào cốp xe, anh giúp mở ra. Cháu đi học nhà xa, trời cũng tối lắm rồi. Tôi là người đi đường thấy vậy nên giúp cháu bé thôi”. Bỏ mặc lời trình bày của tôi, anh ấy vẫn nhất quyết không chịu giúp và đóng cửa tiệm.

Biết phía trước đó có một tiệm sửa, chữa xe máy khác, tôi nói cậu bé chịu khó dắt thêm một đoạn nữa, hy vọng họ sẽ giúp. Tới nơi, tôi đặt vấn đề với ông sửa xe: “Anh làm ơn mở giúp cốp xe. Trong lúc đổ xăng, cháu nó đã làm rơi chiếc chìa khóa trong cốp, giờ nhà xa quá, tội cháu”.

Ông chủ tiệm sửa, chữa xe máy nhìn tôi, lắc đầu: “Giờ chịu rồi anh ơi”. Lúc này, tôi thấy, ông đang ngồi nhậu với 1 người bạn. Sau một hồi trình bày, năn nỉ, ông ấy mới chịu rời bàn nhậu, lấy đồ nghề để mở cốp xe, tìm chiếc chìa khóa cho cậu bé. Sau một hồi, 2 chiếc nắp nằm 2 bên chiếc xe cup cũng đã được mở ra, nhưng vẫn không thấy chiếc chìa khóa xe đâu. Ông chủ tiệm sửa, chữa xe máy quyết định: “Cứ để xe đây, mai tui mở hết, tìm lại xem có chiếc chìa khóa nằm mắc kẹt đâu đó không”.

Đành vậy, tôi và cậu bé đồng ý. Dùng chiếc xe máy cũ của mình, tôi chở cậu bé lên nhà cậu ấy ở địa chỉ đường Nguyễn Huệ. Trước khi chào cậu bé, tôi không quên dặn: “Con cố tìm chiếc chìa khóa phụ, về nơi gửi xe để mở xem, chiếc chìa khóa có nằm đâu đó trong cốp xe không nhé”. Chào tôi, không quên lời cảm ơn, cậu bé nhanh chân vào nhà.

Sau này, tôi mới biết được, chiếc chìa khóa nằm sâu dưới đáy của chiếc xe cup. Chỉ khi mở ra tất cả phần mang, dè… mới tìm thấy… Qua câu chuyện này, tôi cứ băn khoăn một điều: Lúc hoạn nạn, rất cần những tấm lòng sẻ chia, đồng cảm và giúp đỡ. Ai cũng mong thế, huống chi là một đứa trẻ.

Tôi thầm cảm ơn dì đi thể dục buổi tối đã có hành động, nghĩa cử cao đẹp. Tôi cũng trách thay cậu bé, người đàn ông chủ tiệm sửa xe máy đã từ chối thẳng thừng sự giúp đỡ với một đứa trẻ. Cuộc đời thật có những điều bất ngờ đến không tưởng…

TÂM ANH