Hát múa Sắc Bùa làng Phò Trạch (huyện Quảng Điền) biểu diễn tại Festival Huế 2022 |
Tình yêu với văn hóa dân gian
Ông Nguyễn Thế (66 tuổi) từng là cán bộ của ngành văn hóa ở huyện Phong Điền, là nhà nghiên cứu văn hóa. Ông là người dành trọn tình yêu với văn hóa mang tính địa phương, dân gian. “Trước đây, tôi là sinh viên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế. Trong quá trình theo học tại trường, tôi có điều kiện được tiếp xúc với nhiều diễn viên lão thành của tuồng Huế, ca Huế… Tôi thường xuyên xem và nghe họ đàn hát, múa, diễn tuồng… Thỉnh thoảng, tôi còn ra rạp hát Đồng Xuân (đường Phan Đăng Lưu bây giờ) để xem diễn tuồng. Kể từ đó, niềm đam mê về văn hóa nghệ thuật dân tộc bắt đầu ngấm vào mình lúc nào không hay”, ông Nguyễn Thế nhớ lại.
Sau này, với niềm đam mê đó, ông đã dành thời gian để đi tìm lại những kịch bản tuồng cổ của Huế đang lưu lạc khắp nơi trong nước. “Việc tìm lại được những kịch bản tuồng cổ này rất khó, vì phải đọc được chữ Nôm. Có điều may mắn rằng tôi cũng có học Hán – Nôm và biết đọc chữ Nôm. Tôi quyết tâm lên đường tìm di sản tuồng cổ bởi những bản tuồng viết bằng chữ Nôm là những vở tuồng nguyên gốc, ít bị “tam sao thất bản”, là di sản văn hóa quý giá của cha ông”, ông Nguyễn Thế chia sẻ. Với quyết tâm đó, ông đặt mua các sách, báo, tạp chí chuyên ngành để trau dồi thêm hiểu biết về lịch sử - văn hóa và các bộ môn nghệ thuật của dân tộc. Nhiều năm liền, đến kỳ nghỉ phép, ông vào Nam, ra Bắc để tìm những tư liệu về nghệ thuật tuồng. Đến nay, ông đã thống kê được khoảng 200 vở tuồng cổ, sao chụp được mấy chục vở tuồng viết bằng chữ Nôm. Ông còn được Viện Havard – Yenching của Đại học Havard (Hoa Kỳ) tài trợ kinh phí để thực hiện đề tài “Tìm hiểu tư tưởng Nho giáo trong nghệ thuật tuồng Việt Nam qua vở tuồng Ngự Văn Quân”.
Với vốn kiến thức về chữ Nôm của mình, ông Nguyễn Thế đã phát hiện ra văn bản Hán Nôm cổ nhất ở Thừa Thiên Huế dưới dạng gốc, được viết cách đây hơn 570 năm, từ thời Lê Nhân Tông, niên hiệu Đại Hòa thứ 9, tức vào năm 1452. Văn bản được tìm thấy tại nhà thờ họ Lê Văn tại làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Đây là văn bản cổ nhất được tìm thấy ở Thừa Thiên Huế dưới dạng bản gốc, ra đời trước tác phẩm Ô Châu Cận Lục hơn 100 năm. Mặc dù đây chỉ là một tư liệu địa bạ cổ xác định việc khai canh và quyền sở hữu ruộng đất của một tập đoàn người. Song các nội dung về niên đại, địa danh cổ... sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm một phần nào về vùng đất Hóa Châu xưa của thời di dân mở nước. Văn bản này cũng được xem là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” đầu tiên vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Thế đồng thời dành thời gian nghiên cứu về bảo tồn làng cổ Phước Tích và nghề làm gốm ở làng Phước Tích; giải mã câu chuyện đằng sau câu nói dân gian “Bát ngạn thanh liêm, Đường Xuyên trung ái”, được người dân phủ Thừa Thiên truyền tụng vào nửa cuối thế kỷ XIX; hay tìm về tổ hương làng Bồ Điền của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Ông cũng là người đã góp công phục dựng nghệ thuật hát múa Sắc Bùa tại làng Phong Bình (huyện Phong Điền). Đặc biệt, câu chuyện về việc phát hiện trống đồng Đông Sơn ở Thừa Thiên Huế của ông gây tò mò cho nhiều người.
Ông Nguyễn Thế kể lại, ngày 18/3/1994, một nhóm người chuyên dò tìm phế liệu chiến tranh ở xã Phong An, huyện Phong Điền đã tìm thấy một trống đồng tại ven bờ thượng nguồn sông Ô Lâu (bản Hạ Long, xã Phong Mỹ). Do trống bị vùi lấp lâu ngày và những người phát hiện không biết giá trị của hiện vật nên đã đào bới nặng tay làm cho thân trống bị tách rời thành nhiều mảnh, riêng mặt trống còn giữ được gần như nguyên vẹn. Đến ngày 21/3/1994, một thành viên trong nhóm đã đưa số phế liệu thu được về bán cho điểm thu mua đồng nát ở xã Phong An. Tình cờ, anh Phan Đức Thái, Công an huyện Phong Điền lúc bấy giờ nhìn thấy và báo cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Phong Điền.
Nghe được thông tin tấm đồng hình tròn, có hoa văn như trên hình hiệu của Đài truyền hình khi bắt đầu chương trình phát sóng, ông Nguyễn Thế vội đạp xe vào ngay địa điểm bán đồng nát. “Tôi sững sờ khi nhìn thấy mặt trống đồng cùng những mảnh vỡ. Sau khi biết được số tiền mà người thu mua phế liệu định giá cho chiếc trống đồng vỡ là 70.000 đồng, tôi đã xin được mua lại. Thông qua những hiểu biết của bản thân, tôi đã viết lý lịch sơ lược và đặt tên là trống đồng Ô Lâu. Di tích văn hóa Đông Sơn tồn tại ở nơi đây đã minh chứng cho địa điểm cư trú của các tộc người bản địa. Có thể, đây cũng là nơi giao lưu của người dân bản địa với dân tộc Việt. Vì vậy, có thể xác định tuyến thượng đạo ở khu vực phía tây nam huyện Phong Điền từng là một trung tâm hoạt động về kinh tế, văn hóa xã hội của người xưa”, ông Nguyễn Thế nói.
Với những đóng góp về văn hóa địa phương, ông Nguyễn Thế từng được Giáo sư Phan Huy Lê trân trọng gọi là nhà địa phương học.
Mong những nét văn hóa được giữ gìn
Tự nhận mình là một “chân chạy”, ông Nguyễn Thế vẫn thường xuyên đi điền dã, khảo cứu khắp nơi trong tỉnh. Nhờ đó, ông tìm hiểu được về lịch sử của nhiều hiện vật có giá trị. Giáo sư Võ Quang Yến từng kể về ông Nguyễn Thế trong quyển sách “Gởi thương cho Huế” như sau: “Trong lần trở về quê hương cách đây đã lâu, anh Thế dành cho tôi một món quà bất ngờ. Anh đưa tôi một lần nữa về lại làng Mỹ Cang (huyện Phong Điền), vào thăm nhà một người láng giềng, chỉ một cái lu Tàu rồi hỏi: “Anh có nhớ cái lu ấy không?”. Tôi lưỡng lự vì hồi trước có thấy nhiều lu ở trong nhà nhưng còn nhỏ nên không để ý đến. “Cái lu này lúc trước là của o Mỳ, mạ anh đó!”. Rồi anh tường tận giải thích con đường đi của nó hơn năm chục năm qua, từ nhà cụ mạ tôi qua nhà này”.
Ông Nguyễn Thế khiêm tốn chia sẻ: “Với việc từng làm ở ngành văn hóa, tôi có cảm nhận, tình yêu với văn hóa quê hương, đồng thời tôi cũng cố gắng tìm hiểu về văn hóa. Trong quá trình đó, tôi cũng may mắn phát hiện và khai thác được một số vấn đề có giá trị đối với địa phương. Tôi luôn mong rằng, những nghiên cứu của mình sẽ giúp cho người dân địa phương biết được những nét văn hóa đáng quý, đáng gìn giữ mà người xưa đã để lại”.