Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (ngoài cùng, bên trái) kiểm tra tiến độ các dự án lớn trên địa bàn tỉnh

Kết quả đó thêm một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần NQ 54 của Bộ Chính trị (khóa XII).

Cải thiện môi trường đầu tư

Qua phân tích của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một trong những bước đột phá thấy rõ nhất sau 3 năm qua chính là, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện mạnh mẽ.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã thành lập 4 tổ công tác liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

Tổ công tác đặc biệt này không chỉ có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, giám sát mà kịp thời tháo gõ khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng... tại cơ sở để đảm bảo tính chủ động, sẵn sàng trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, nhằm triển khai thực hiện các dự án (DA) đầu tư trong và ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Đi kèm với đó là, công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh trên lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh. Nhiều thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành chính sách tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như: Thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến ở cảng Chân Mây; chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ “100 DN chuyển đổi số trong 100 ngày”; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; triển khai đề án Cố đô khởi nghiệp…”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui chia sẻ.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, giai đoạn 2021-2022, bình quân hằng năm trên địa bàn tỉnh có hơn 685 DN đăng ký thành lập mới; vốn đăng ký bình quân mỗi DN đạt 10.524 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, có 415 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.749 tỷ đồng.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm

Không khó để nhận thấy rằng, sau 3 năm Thừa Thiên Huế thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trên địa bàn tỉnh nhiều công trình, DA trọng điểm đã và đang triển khai xây dựng, tạo nên một diện mạo mới cho sự phát triển đi lên của tỉnh.

Sau khi đồng bộ về công tác quy hoạch đô thị, nhiều DA lớn phát triển kinh tế - xã hội của vùng được đầu tư đã đi vào vận hành, hoạt động. Đó là, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; mở rộng hầm đường bộ Hải Vân; mở rộng Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Hệ thống giao thông đô thị được chỉnh trang, cải tạo trên các tuyến đường dọc theo bờ sông Hương, đường nội thị…

“Tuyến đường bộ ven biển và qua cầu Thuận An; hệ thống đê sông Thiệu Hóa; hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi – Mộc Hàn – Phú Khê (Phú Vang); hạ tầng kỹ thuật khu TĐC Đại học Huế; DA đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Gilimex; đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2… Đường vành đai 3; đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài… cũng đã và đang được khởi công. Các DA chỉnh trang, xây dựng căn hộ cao cấp, biệt thự đa chức năng, dịch vụ, thương mại tại KĐT An Vân Dương… đã tạo nên bộ mặt mới cho đô thị TP. Huế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết.

Bên cạnh tiếp tục thực hiện các NQ chuyên đề có liên quan đến việc xây dựng 4 trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ, Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung các nguồn lực để phát triển hài hòa giữa kinh tế biển, đầm phá và miền núi.

“Ngoài xóa nhà tạm, tỉnh cũng đã rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân để giảm nghèo bền vững. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động; trong đó, có 2.098 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin.

Nhận diện khó khăn, tạo đà khắc phục

Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 (mở rộng) diễn ra trong tháng 7/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy nhận thấy, bên những kết quả đã đạt được mang tính đột phá sau 3 năm thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI thì còn những tồn tại, khó khăn cần sớm khắc phục. Đó là, chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người khả năng khó đạt theo nghị quyết; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Tốc độ phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; việc huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng khó khăn; công tác phối hợp thiếu chặt chẽ; trình độ, năng lực thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Từ khó khăn, tồn tại này, đội ngũ cán bộ chủ chốt trên địa bàn tỉnh đi sâu phân tích, làm rõ và khẳng định, khó khăn, hạn chế trên là thực tế nhưng cũng là giải pháp quan trọng để cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị và các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh nỗ lực cố gắng, đề ra các giải pháp tập trung khắc phục. Vấn đề con người luôn là yếu tố tiên quyết, trên tinh thần đoàn kết, động thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để sớm khắc phục những tồn tại, khó khăn hiện nay. 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo, nhiệm vụ còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo rất nặng nề. Đề nghị các cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, người đứng đầu khắc phục ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, giữ “an toàn” trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường bám sát cơ sở hơn nữa, nói đi đôi với làm.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ để thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Bài, ảnh: Anh Phong