Đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Tư liệu 

Lần đầu đi xem đua

Lần đầu tiên tôi được xem đua ghe (thuyền, trải) là vào dịp Quốc khánh 1977. Lúc đó tôi mới là một đứa trẻ học lớp 7 trường làng ven đô ở làng Dã Lê Thượng ( Hương Thủy). Bất ngờ hôm trước ngày Quốc khánh, ông nội bác, nhà ở cạnh nhà tôi bảo: “Sáng mai ngủ dậy sớm đi coi đua trên sông Hương với ôn”. Nghe mà mừng đến phát khóc. Con mồ côi và nhà nghèo, cuộc sống của tôi loanh quanh ở đường làng ngõ xóm, bất ngờ được đi Huế (còn gọi là đi Dinh) mừng quá !

Hơn 4 giờ sáng thức dậy, ăn vội chén cơm, 2 ông con đã tất bật lên đường. Ông mang dù đi trước thủng thẳng, cháu chân ngắn vừa đi vừa chạy. Ông bảo gắng lên cho kịp. Đi mỏi cả chân mới tới cầu Trường Tiền. Đã thấy đông nghịt người "dồn la", hò hét. Chen mãi mới tìm được chỗ đứng xem. Chỉ thấy thấp thoáng ở nơi dòng sông lớn những chiếc ghe đua. Nhìn rất đẹp nhưng không "sướng" bằng xem đua ở làng tôi sau mùa lụt. Nó cận cảnh, rộn ràng, hơn thua, phe ta phe họ rõ ràng.

Xem được chừng nửa giờ, ông con tiếp tục lên đường. Đầu tiên là vô Thành Nội thăm người bà con, sau đó về An Cựu thăm bà cô mụ và nghỉ trưa ở đó. Để rồi, buổi chiều cả hai ông con trực chỉ đến sân vận động Tự Do xem ba - lôn (bóng đá). Tôi nhớ, cũng như những ngày qua ở Huế, đó là buổi chiều thu nắng gắt. Sân vận động Tự Do chật cứng người đén xem trận bóng đã giao hữu đội tuyển Huế gặp Bưu điện Sài Gòn.

Kịch bản sáng coi đua trên sông Hương, chiều xem đá bóng ở sân vận động Tự Do vào ngày lễ Độc lập mà ông con tôi có nhiều năm hồ hởi kéo dài từ sau ngày giải phóng dưới thời tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Sau này bóng đá phát triển, có giải đấu chuyên nghiệp, không còn “ăn theo” những dịp lễ trọng của dân tộc như Quốc khánh nhưng điệp khúc “dồn la dồn” trên dòng Hương Giang thì vẫn còn đó, như một biểu tượng văn hóa và cách mạng của vùng đất Cố đô.

Nét đẹp văn hóa

Đua thuyền trên sông Hương đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu 

Đua ghe được xem là môn thể thao tồn tại lâu đời, có mặt ở đất Thuận Hóa - Thừa Thiên từ buổi đầu người Việt vào Nam mở cõi. Những ghi chép của các tác giả Dương Văn An, Lê Quý Ðôn hay Nguyễn Khoa Chiêm về vùng đất xưa đều có nói về việc người dân nơi đây tổ chức đua ghe trong các dịp xuân về hay trong các lễ hội, hoặc do phủ chúa đứng ra tổ chức nhân một dịp đại lễ nào đó. Đáng nói là, đua ghe truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế là một lễ hội mới được tổ chức sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975, trong ngày lễ Quốc khánh 2/9.

Xưa, người dân ở các làng quê thường tổ chức lễ hội đua ghe, đua trải trước khi bước vào vụ mùa mới, như là một phần của những hoạt động mang tính tâm linh nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng được phong đăng hòa cốc. Cuộc đua ghe truyền thống này trên sông Hương không giữ lại mục đích đó mà là dịp tạo điều kiện cho thanh niên nam nữ có cơ hội thi tài trên sông nước, qua đó rèn luyện tăng cường bảo vệ sức khỏe. Đây cũng là dịp để biểu lộ lòng vui mừng và niềm hân hoan của nhân dân vào dịp Tết Độc lập.

Đã trở thành thông lệ, vào ngày diễn ra hội đua ghe, ban tổ chức tuyên bố thể lệ dự giải và chương trình đua bơi gồm có một độ cúng, 7 độ tiền và 1 độ phá. Mỗi đội đua (có 1 tay chèo và 11 tay lái) phải qua 3 vòng, 6 tráo, riêng độ 7 và 3 độ tiền của nữ là hai vòng bốn tráo. Đội đua bắt đầu bằng một lệnh trống (1 hồi chiêng). Các ghe đua 3 vè chính dọc Sông Hương, lộn vè rốn lúc xuất phát và vòng cuối lúc vào đích.

Với chiến thuật riêng, những cuộc so tài diễn ra vô cùng hấp dẫn và đầy kịch tính. Hàng chục tay bơi tung máy dầm nhịp nhàng, mạnh mẽ theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Lần lượt vòng lên cầu Dã Viên và cầu Phú Xuân. Từng chiếc ghe lướt băng băng trên mặt nước, tranh giành nhau trong gang tấc để hướng về đích. Người xem như được hòa mình vào giải đua. Tất cả tạo nên một bầu không khí náo nhiệt, sôi động và những phút giây vừa vui vẻ, vừa hào hứng cho người dân địa phương lẫn du khách đến khám phá Huế.

Hy vọng lần thứ 34

Sau khi phải gián đoạn do dịch bệnh COVID - 19, giải đua ghe truyền thống lần thứ 33  chào mừng 77 năm Quốc khánh đã trở lại trên sông Hương, gồm 9 đội đua với sự tham gia của gần 300 vận động viên đến từ 9 địa phương trong toàn tỉnh. Thành phố Huế có 4 ghe (An Đông, Gia Hội, Hương Vinh và Phú Hậu), Năm ghe còn lại đến từ Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc. Đây cũng là giải đấu nằm trong môn thi Đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 9 năm 2022.

Còn nhớ, thời tiết buổi sáng rất mát mẻ do có cơn mưa nhẹ từ tối 1/9 đã giảm nhiệt cho những ngày nắng nóng trước đó. Thời tiết thuận lợi đó đã góp phần giúp các đội đua thoải mái và tự tin hơn khi bước vào giải. Không khí giải đấu càng hấp dẫn hơn khi các đội đua tiến sâu vào các giải chung cuộc, thời tiết vẫn tiếp tục ủng hộ các đội đua và đặc biệt là đông đảo khán giả có mặt để cổ vũ cho giải đấu. Sự kiện năm 2022 diễn ra trên sông Hương còn được xem là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến xem.

Vậy là, chỉ còn 1 ngày nữa là sông Hương lại dậy sóng trong lễ hội đua ghe truyền thống lần thứ 34 mừng 78 năm Quốc khánh 2/9. Hy vọng, thời tiết thuận lợi, sông Hương tiếp tục có thêm một giải đua ghe truyền thống mang tính lễ hội đông nghịt người xem và rộn vang tiếng nói cười. Du khách nếu có dịp đến Huế dịp này, đừng quên hòa mình vào lễ hội náo nhiệt, đặc sắc này để cảm nhận và hiểu hơn nét đẹp độc đáo và giàu bản sắc của văn hóa miền núi Ngự, sông Hương./.

ĐAN DUY