Bác Hồ với phong trào Bình dân học vụ. Ảnh: Tư liệu

1. Báo Quyết Chiến, tiếng nói của Việt Minh Thuận Hóa và của tỉnh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên) số 204, ra ngày 4/5/1946 đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh chị em giáo viên Bình dân học vụ khẳng định: “Chương trình của Chính phủ ta là làm cho toàn quốc đồng bào, ai cũng có ăn, có mặc, có học”. Đồng thời bày tỏ: “ Tôi mong rằng trong thời kỳ ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang. Đồng bào ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng bia đá nào cũng không bằng. Tôi lại mong rằng, đồng bào các nơi ra sức giúp anh chị em Bình dân học vụ trong việc giáo dục đó ”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tiến công mạnh mẽ vào mặt trận diệt “giặc dốt” ngay trên quê hương. Các xã đều thành lập Ban Bình dân học vụ, do 1 ủy viên của Ủy ban hành chính xã phụ trách. Ở thôn xóm, các nhóm xóa mù cũng được thành lập. Bình dân học vụ đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng của toàn dân, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Mọi người dân trong xã đều nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc học.

2. Về Đại Lãnh (Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc nay), nghe nhiều người nhắc đến cụ Nguyễn Văn Tá, một trong số ít thanh niên có bằng diplôme ( lớp mười) ở địa phương sớm giác ngộ cách mạng. Được sự phân công của đoàn thể, ngay sau ngày Độc lập, cụ cùng với bạn là Nguyễn Văn Ất tổ chức một nhóm xóa mù ở tại nhà thờ họ Nguyễn ở Cao Đôi Xã. Nhà thờ họ Nguyễn có 2 tầng, phía trên là nơi thờ cúng; phía dưới là nơi dùng để sinh hoạt ăn uống trong các dịp lễ kỵ được mượn dùng làm lớp học. Các lớp học được tổ chức thành nhiều bậc học: Vỡ lòng (tập đánh vần) - biết làm tính… Mỗi lớp có 20 đến 30 học viên, đa phần có tuổi đời dưới 25. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng ai cũng phấn khởi, tích cực tham gia học tập.

Trong ký ức của nhiều người dân xã Đại Quang xưa (nay là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) còn đọng lại những hình ảnh thật khó quên về phong trào “diệt giặc dốt”. Không chỉ góp dầu đèn mà người dân nơi đây còn lấy quả mù u, cà - rép trôi tấp vào bãi biển làm đèn, tạo nên các ánh sáng cho các lớp học ban đêm. Thiếu giấy thì viết chữ trên lá chuối, trên nền nhà; thiếu phấn thì dùng gạch than, thiếu ghế dùng cả giường, phản, thiếu bàn dùng cả thúng mủng... Các lớp học chủ yếu tổ chức vào ban đêm, tuy nhiên nếu học đêm chưa đủ vẫn tranh thủ học trưa. Ban Bình dân học vụ tổ chức các đội truy bài học trước khi vào chợ hay trước khi ra đồng khoảng 10 - 15 phút.

Một lớp học bình dân học vụ ban đêm. Ảnh: Tư liệu 

3. Phong trào Bình dân học học sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công thể hiện tinh thần vượt khó và khả năng sáng tạo của chính quyền cách mạng cơ sở còn rất non trẻ và ý thức vượt qua chính mình của người dân các địa phương trong tỉnh. Đối tượng ưu tiên là những người chưa biết chữ  và theo phương châm, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, người biết chữ nhiều dạy cho người biết chữ ít.

Qua phong trào Bình dân học vụ, ở Thừa Thiên Huế đã nổi lên những điển hình mà tiêu biểu là xã Phú Hương (tức Vinh Thanh) đến cuối năm 1946 đã thanh toán được nạn mù chữ, và đây cũng là xã thanh toán nạn mù chữ đầu tiên của huyện Phú Vang được Quốc Hội tuyên dương và khen thưởng. Ở đây, Trường tiểu học Hà Thanh được mở rộng thêm 2 phòng, Ban Bình dân học vụ vận động bà con đi học, thiếu phòng học thì mượn nhà dân làm phòng, giáo viên là những con em Nhân dân ở các thôn, xã ít nhiều có trình độ văn hóa, có khi người vừa mới biết đọc, biết viết dạy lại cho người chưa biết chữ. Nhiều biện pháp được thực hiện nhằm bắt buộc mọi người đi học, như ở các chợ trong xã đều tổ chức kiểm tra trình độ văn hóa, thanh niên đặt ở các cổng vào chợ bảng chữ viết sẵn, mọi người đi qua đều phải đọc được những chữ viết trên bảng, ai không đọc được thì phải quay về.

Phong trào Bình dân học vụ ở Thừa Thiên Huế ngày càng lôi cuốn toàn thể nhân dân tham gia và kéo dài cho đến ngày “mặt trận vỡ”, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Thực tiễn cho thấy, chính nhờ việc cuốn hút vào phong trào học tập văn hóa đó mà các tệ nạn xã hội, các tập tục lạc hậu dần dần bị xóa bỏ. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới có tác dụng trông thấy trong nhân dân. Mọi người phấn khởi thi đua lao động sản xuất và đóng góp cho cách mạng./.

ĐAN DUY