Trụ cầu vượt biển Thuận An 

“Top đầu” của một công trình giao thông không chỉ mang thương hiệu tầm cỡ ở địa phương mà còn cả khu vực miền Trung là cây cầu vượt biển Thuận An ra đời, là khát vọng hàng trăm năm của người dân Huế giờ đã hiện thực. Đây là những lời chia sẻ đầy háo hức, vui sướng của nhiều người dân địa phương tại dịp lễ khởi công.

Khác với những công trình xây dựng mà chúng tôi đã dõi theo, việc thi công cầu Thuận An như “nhịp thở” thường trực không chỉ riêng của chủ đầu tư, nhà thầu, mà còn cả những người lãnh đạo địa phương ngay từ buổi đầu lập lán trại, tập kết vật liệu, thiết bị máy móc bên chân biển Hải Dương và Thuận An.

Mới đây, vào ngày trung tuần tháng 8, trên công trường thi công cầu vượt biển Thuận An, hàng nghìn tấn vật tư sắt thép, cùng thiết bị máy móc được tập trung trên các sà lan vào những vị trí đóng cọc khoan nhồi, thân trụ từ mặt biển lẫn trên cạn. Hàng trăm cán bộ công nhân kỹ thuật bất chấp thời tiết nắng như đổ lửa để gấp rút hoàn thiện phần hạ bộ trên mặt biển và chuẩn bị hoàn thiện việc lao dầm ở các hạng mục trên cạn…

Anh Nguyễn Nam Tùng, Chỉ huy trưởng Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, tham gia xây dựng công trình vượt biển Thuận An cho hay, cầu có chiều dài hơn 2,36km, mặt cắt ngang tuyến 26m; bề rộng cầu 20m, gồm 4 làn xe; trong đó đơn vị Đạt Phương tham gia thi công gần 50% khối lượng công việc DA. Tại thời điểm này, công trình cầu đã thi công đạt hơn 50% kế hoạch; trong đó hai trụ chính T27 và T26 - nằm giữa biển cách nhau khoảng 218m là hạng mục khó nhất của DA đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch, là điều kiện tốt để đẩy nhanh tiến độ DA nằm ở khu vực trên mặt biển.

Kỹ sư Trần Anh Trung, đại diện đơn vị giám sát thi công cầu vượt biển Thuận An chia sẻ, hơn 15 năm trong nghề và tham gia giám sát nhiều công trình giao thông lớn trong, ngoài địa phương nhưng chưa thấy công trình nào được các nhà thầu sắp xếp công việc thi công một cách khoa học, bài bản và đẩy nhanh tiến độ như cầu vượt biển này. “Thời tiết thuận lợi và các nhà thầu chủ động nhân, vật lực thi công với tốc độ như hiện nay và công tác giải phóng mặt bằng ở khu vực hai đường dẫn vào cầu được dứt điểm trong 2 tháng tới, cầu vượt cửa biển Thuận An có thể thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 10/2024” - Kỹ sư Trung nói.

Bước ra từ đại công trường cầu vượt biển, từ Thuận An nhìn qua Hải Dương sóng nước ngút ngàn với cảm giác ao ước “cây cầu” vượt biển một thời giờ đã hiện trước mắt mà lòng thấy rộn ràng. Cái cảm giác ao ước ấy cứ lâng lâng bởi trước mắt chúng tôi là cây cầu vượt biển Thuận An dần lên dáng vóc hình hài. Bất chợt so sánh với cầu vượt biển dài nhất Việt Nam là Nhơn Hội (Quy Nhơn, Bình Định), thì cầu Thuận An cũng xứng đáng nằm ở top đầu cầu vượt biển ở miền Trung.

Phối cảnh cầu vượt biển Thuận An - công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025 

Thấy chúng tôi trao đổi thông tin về mô hình, kiến trúc cầu Thuận An, chị Trần Thị Hàng (thôn Hải Tiến, Thuận An) gương mặt sạm nắng ghé vào. Thấy vui, gần chục người khác ở tổ dân phố này cũng tụm lại bàn tán, nói cười. Khi hỏi thêm mới hay, mấy chục năm nay, chị Hàng làm nghề đưa đò, chở cá từ Hải Dương qua Thuận An và ngược lại.

Tôi hỏi, có sợ thất nghiệp không khi sắp đến cầu vượt biển Thuận An khai thông, chị Hàng khẳng định chắc nịch: “Cây cầu sẽ giúp người dân ở đây bớt khổ, nhất là giao thông đi lại thuận tiện lúc trời mưa bão. Có cầu, chắc nhiều dự án du lịch mọc lên, mai này chúng tôi sẽ đổi nghề, đưa khách đi tham quan đầm phá, biển cả”.

Bà Đinh Thị Bích (thônThai Dương Hạ, xã Hải Dương) không giấu niềm vui: “Lâu nay, ngày cũng như đêm cứ nghe tiếng máy, tiếng người thi công cầu. Thực tình có nhiều đêm nghe rầm rầm không ngủ được, nhưng lòng luôn thấy khấp khởi. Mong sao cầu mới sớm hoàn thành để xóa bỏ cách trở giao thương đi lại trong vùng, tạo cơ hội phát triển về kinh tế - xã hội ở quê nhà”.

Cùng trong niềm vui ấy, ông Huỳnh Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An, TP. Huế nhìn nhận, không riêng ở Thuận An, khi cây cầu vượt biển nối nhịp, những vùng quê lân cận ven biển và dọc theo đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn về giao thương, du lịch biển. Đó cũng là cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng dịch vụ, du lịch và sắp xếp mở rộng khu dân cư, phát triển không gian đô thị Huế năng động, hiện đại hơn. Đồng thời, tạo điểm nhấn kết nối triển khai tuyến đường ven biển Thừa Thiên Huế dài hơn 127km nằm trong quy hoạch tổng thể đường ven biển quốc gia theo Quyết định 129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tạo hơn 1.500ha quỹ đất lợi thế hai bên để phát triển kinh tế - xã hội vùng biển.

DA tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 2.400 tỷ đồng, thực hiện với thời gian 3 năm. Quy mô tuyến dài 7.785m; trong đó phần cầu dài khoảng 2,36km, bắt đầu từ cầu Tam Giang đến cầu qua cửa biển Thuận An, kết thúc tại nút giao QL49A - QL49B thuộc phường Thuận An (TP. Huế).

DA do Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Giao thông tỉnh làm chủ đầu tư và liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty 479 Hòa Bình thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025.


Bài, ảnh: Minh Văn