Tấm bia đá khắc bài thơ “Hương thầm” tưởng nhớ chiến sĩ Phan Hữu Khải và các liệt sĩ hy sinh tại A Lưới

Lặng lẽ “tỏa hương”

Nếu ai đã từng đọc bài thơ “Hương thầm” nhắc đến tình cảm trong trẻo của chàng trai trước ngày ra trận, hẳn sẽ ngạc nhiên khi nhân vật chính ấy “đang ở” A Lưới. Người lính liệt sĩ (LS) Phan Hữu Khải (1953-1972) đã mãi mãi nằm lại ở lứa tuổi đôi mươi.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sáng tác “Hương thầm”  vào tháng 3/1969, thời điểm em trai Phan Hữu Khải lên đường. Nhớ về cậu em hay hái hoa từ gốc bưởi sau nhà cho chị mang theo đi làm và tình cảm của cô bạn gái cùng lớp mà em trai không hay biết, tứ thơ cứ thế tuôn trào. Khi chiến dịch Quảng Trị bước vào giai đoạn cam go, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi bản ngâm bài thơ này. Chàng lính trẻ Hà Nội - Phan Hữu Khải đang thuộc Trung đoàn 1, Sư 324, Quân khu Trị Thiên viết thư về cho chị kể đã nghe và ấn tượng với “Hương thầm”. Chưa kịp hồi âm rằng bài thơ ấy nói về Khải và cô bạn đồng môn thì người em trai hy sinh trong trận đánh ác liệt ở chiến trường A Lưới. Anh nằm lại với đất trời vùng cao ngút ngàn mây xanh bên cung đường Trường Sơn huyền thoại.

Vô cùng thương em, bà tiếc nuối: “Hương thầm cứ lặng lẽ, đến người đưa tiễn cũng không hay biết, ngay cả khi nằm xuống đất lạnh rồi vẫn không hay biết”. Sau ngày giải phóng, bà tìm đến NTLS A Lưới, thắp hương cho em trai thân yêu và kể về “Hương thầm”. Năm 1969, “Hương thầm” được trao giải Nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ tổ chức. 15 năm sau, nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc và tác phẩm được công chúng biết đến rộng rãi hơn. 54 năm qua đi, bài thơ ấy vẫn còn gắn bó với nhiều thế hệ, nhắc nhớ về một thời trai trẻ hào hùng lên đường theo tiếng gọi thống nhất non sông.

27/7/2014, tấm bia khắc bài thơ “Hương thầm” do gia đình LS. Phan Hữu Khải cùng gia đình TS. Võ Văn Hồng ở Hà Nội cung tiến tại NTLS huyện A Lưới. Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện A Lưới nhớ lại: “Tấm bia đá được chọn từ Non Nước, Đà Nẵng nặng 22 tấn, khắc 7 khổ thơ với 26 câu thơ theo thể tự do. Dạo ấy, để đặt tấm bia theo nguyện vọng gia đình chị Thanh Nhàn, mọi người tính toán các phương án di chuyển kỹ lưỡng, sau phải đưa bia từ phía bờ rào đến vị trí đặt hiện nay”.

Ông Hồ Xuân Liên, quản trang NTLS huyện A Lưới cho hay: “Nhiều người ghé nghĩa trang khá ngạc nhiên khi biết về tấm bia và câu chuyện “Hương thầm”. Ai cũng dừng lại đọc để cảm nhận và thấm sâu tình cảm người lính hy sinh tuổi trẻ cho Tổ quốc.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nay đã ngoài 80. Mỗi lần bạn bè, người quen đến NTLS A Lưới đều dâng hương và chụp ảnh bên tấm bia “Hương thầm” gửi về cho bà. Có lẽ sau ngày giải phóng, bài thơ – ca khúc “Hương thầm” được đọc, ngâm diễn tại đây nhiều nhất. Nhiều thư cảm ơn từ người hâm mộ trong, ngoài nước gửi đến nhà thơ. “Hơn 50 năm qua, tình yêu trong trẻo trong bài thơ thời ấy vẫn được nhiều người mến mộ. Ai cũng bảo hương bưởi trong “Hương thầm” sẽ thơm mãi. Tôi rất mừng khi bài thơ có sức sống bền bỉ qua nửa thế kỷ”, bà Thanh Nhàn chia sẻ.

Những cuộc trở lại giữa thời bình

Đường Trường Sơn xưa - nay là đường Hồ Chí Minh trải dài qua 11 tỉnh thành, được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2019. Cung đường này ghi dấu cuộc chiến đấu anh hùng của Nhân dân ta như một bản trường ca bất tử. Nơi đây, lớp lớp các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì khát vọng hòa bình, góp phần làm nên lịch sử dân tộc. Ngày nay, vẫn có những cuộc trở lại chiến trường xưa tìm kiếm người thân, đồng đội trên cung đường này tại A Lưới.

Trở lại chiến trường xưa cùng đồng đội lần này, trong ba lô Thiếu tướng Võ Chót (nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324) có bản đồ và danh sách LS của đơn vị ông. Lần nào đến A Lưới, vị tướng già cũng tranh thủ dò tìm thông tin các chiến sĩ chưa được cất bốc. Sư đoàn ông cũng có một đại đội trinh sát bị B52 đánh sập hang núi, hy sinh toàn bộ. Nghe có nguồn tin, ông tức tốc đến xã Hồng Kim gặp nhân chứng thu thập thông tin.

Tướng Chót dù đến đây bao lần vẫn trầm ngâm trước bia đá khắc bài thơ “Hương thầm”. “Hơn 200 mộ LS có danh tính, 1.200 mộ chưa xác định danh tính đã được lấy mẫu để giám định AND. Gần 50 năm sau ngày hòa bình vẫn còn những chuyến kiếm tìm. Xót xa lắm!”, ông nói.

Mỗi năm, A Lưới đón khoảng 50 đoàn tìm kiếm, thăm viếng mộ LS. NTLS huyện những ngày lễ lớn rộn ràng, ấm áp hẳn. Hầu như chuyến kiếm tìm LS nào, người thân đồng đội đều đến thăm NTLS A Lưới, thăm tấm bia và thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ. Không chỉ 1.500 ngôi mộ được quy tập, nằm lại nơi này còn có rất nhiều người khác, máu xương họ đã hòa quyện, “tỏa hương” vào đất, lặng lẽ hóa thân trong bản hùng ca “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt, đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất nước.(Nguyễn Khoa Điềm).

Bài, ảnh: Tuệ Ninh