Theo giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Mai Văn Linh, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Hùng, thôn Hương Phú. Đó là một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi. Nói về chuyện làm giàu ở xứ “rừng thiêng nước độc”, ông Hùng tâm sự: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhất nhì của xã. Năm 2005 được vay vốn 30 triệu đồng từ Dự án ADB (nâng cao năng lực cho người dân về trồng rừng, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp), tôi mua 5 con bò về nuôi, trồng thêm ba ha chuối hàng hóa. Nhờ chịu khó, đàn bò và vườn chuối cho lãi từ những năm đầu tiên, nguồn thu năm sau cao hơn năm trước. Khi có được ít vốn trong tay tôi bắt đầu mua đất, trồng rừng và đến nay có 30 ha rừng keo lấy gỗ, 1ha cao su và 20 con bò…, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng”.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường chăm sóc vườn keo lai 5 năm tuổi của mình

Cũng khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau khi lấy vợ, anh Mai Văn Hòa được cấp đất ở khu thanh niên lập nghiệp bên kia sông A Sáp. Những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới, anh đối diện với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng vẫn quyết tâm bám rừng với niềm tin: Rừng là vàng, rừng sẽ thay đổi cuộc sống gia đình anh. Đến nay, toàn bộ 25 ha keo lai của anh Hòa đã cho khai thác, có giá hàng tỷ đồng. Hiện anh đang trồng thêm 3 ha cao su, tổng đàn bò của anh đã là 30 con.

Chàng thanh niên Nguyễn Văn Cường, thôn Hương Phú cho biết: Năm 19 tuổi, anh theo bạn bè từ Hà Tĩnh vào đây làm nghề lấy mật ong. Cũng tại mảnh đất này anh đã gặp và nên duyên vợ chồng với chị Mai Thị Trinh, từ đó anh quyết định gắn bó với quê vợ. Năm 2001, với số vốn ít ỏi cùng với mảnh vườn gia đình nhà vợ cho, anh mạnh dạn phá vườn tạp để trồng rừng, xây chuồng trại chăn nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, thu được đồng nào anh đầu tư hết hết vào việc mở rộng chăn nuôi và trồng rừng. Công việc chăn nuôi đưa lại lợi nhuận khá cao, nhưng năm 2006 anh quyết định bán hơn 40 con bò để mua thêm 7 ha đất trồng cây ăn quả và trồng rừng. Sau đó anh chuyển hầu hết diện tích đất rừng sang trồng keo lai. Hiện trang trại gia đình anh có 3 lợn nái, 50 lợn thịt và đàn gia cầm hơn 300 con; hai ao nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập gần 150 triệu đồng. Anh còn 8 ha rừng, hai năm nữa cho khai thác sẽ có lãi khoảng 500 triệu đồng.

Theo thống kê của UBND xã, Hương Phong hiện có 15 “triệu phú” với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng gia trại, trang trại chăn nuôi bò quy mô từ 20 - 30 con kết hợp với việc thâm canh trồng rừng nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện toàn xã có tổng đàn gia súc trên 4.400 con, trong đó gia cầm 26.000 con; lợn 300 con, trên 200 trâu, bò. Thu nhập bình quân đạt 19 triệu/người/năm, toàn xã chỉ còn một hộ nghèo, không có hộ cận nghèo.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân trồng rừng và chăn nuôi hiệu qủa, xã cũng chú trọng vận động người dân phục hồi và quản lý rừng bền vững. Hiện xã Hương Phong đang tiến hành giao 63 ha rừng tự nhiên cho 30 hộ dân bảo vệ và canh tác. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng keo là 16.000 ha, cao su 100 ha. Chính quyền Hương Phong khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng cây lấy gỗ có giá trị kinh tế như mỡ, xoan đỏ; chú trọng đầu tư mở rộng mô hình VACR; lấy trồng rừng kết hợp với chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Ông Mai Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết: Với diện tích trên 81 km2, dân số 181 hộ và 533 nhân khẩu, từ một xã biên giới khó khăn nay đời sống Nhân dân Hương Phong ngày càng ổn định, giữ vững thu nhập năm sau tăng hơn năm trước 10%. Phấn đấu năm 2015 thu nhập bình quân đạt 20 triệu/người/năm, toàn xã không còn hộ nghèo.

Bài, ảnh: Thanh Thảo