ASEAN đã và đang trở thành ưu tiên ngoai giao của các cường quốc và khu vực lớn trên thế giới. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Vietnam+ |
Được biết, hiện các quốc gia ASEAN đang trở thành mục tiêu ngoại giao chính của các nước ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả các nước ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Đây được xem là điều rất dễ hiểu, bởi ASEAN hiện đang là khu vực có tốc độ và tiềm năng tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. ASEAN có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua tương đương (PPP) trên 10 nghìn tỷ USD và đang tăng trưởng đáng kể. Sự quan tâm của quốc tế đối với khu vực được thể hiện qua việc Hội nghị Liên Hiệp quốc về thương mại và phát triển chỉ ra dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của ASEAN vào năm 2022 đã tăng 5% so với cùng kỳ của một năm trước đó lên mức tổng cộng là 224 tỷ USD, một kỷ lục cao và đi ngược lại xu hướng ở nhiều nơi trên thế giới, trong bối cảnh FDI toàn cầu giảm 12% trong cùng năm.
Trước đây, ASEAN đã thường xuyên hợp tác với các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và xa hơn. Khu vực là đối tác chính của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp quốc, các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cộng đồng thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR) và duy trì mạng lưới liên minh và đối tác đối thoại toàn cầu. Tuy nhiên, hiện sự chú ý của các bên muốn hợp tác với khu vực ở ngoài châu Á – Thái Bình Dương đang tăng nhanh, trong đó có Mỹ.
ASEAN và Mỹ
Trong quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Điều này nhấn mạnh rằng, Mỹ đã và đang luôn quan tâm đến tiềm năng mở rộng to lớn của quan hệ Mỹ - ASEAN, bao gồm việc khởi động 5 tiến trình đối thoại cấp cao mới về y tế, giao thông, trao quyền cho phụ nữ, môi trường và khí hậu, năng lượng, cũng như tăng cường sự tham gia vào các lĩnh vực hiện có…
Những hình thức khác chứng minh Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao của mình là hỗ trợ đáng kể thông qua Bộ ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cho ASEAN. Sự hỗ trợ này đang thúc đẩy phát triển các diễn đàn chung trong nhiều lĩnh vực, như tham vọng về khí hậu và chuyển đổi năng lượng sạch, tiếp cận giáo dục, củng cố hệ thống y tế, nỗ lực hiện đại hoá an ninh, pháp quyền và nhân quyền.
ASEAN và Liên minh châu Âu (EU)
Ngoài Bắc Mỹ, vào năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với ASEAN. Nhìn chung, hai khu vực lớn này có tổng dân số hơn 1 tỷ người và sự tham gia của họ trong tương lai được củng cố bởi Kế hoạch hành động của EU và ASEAN giai đoạn 2023 đến 2027.
EU và ASEAN là đối tác đối thoại từ năm 1977 và sau cuộc họp cấp bộ trưởng EU – ASEAN vào năm 2020 đã mở ra một chương mới trong quan hệ đối bên bằng việc nâng quan hệ song phương trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Điều này đã chứng kiến mối quan hệ đôi bên phát triển mạnh mẽ trên ba nền tảng chính bao gồm hợp tác chính trị và an ninh; hợp tác kinh tế và hợp tác văn hoá – xã hội, bao gồm giáo dục đại học, y tế, quản lý và phòng chống thiên tai, bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn, đô thị hoá bền vững và nông nghiệp bền vững.
Lấy ví dụ về quan hệ thương mại và đầu tư đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, chiếm hơn 10% thương mại của khu vưc. Trong khi đó, ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU ngoài châu Âu. EU cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở các nước ASEAN.
Để củng cố sự gắn kết về kinh tế này, EU đã trở thành đối tác hợp tác và phát triển quan trọng của ASEAN, tích cực tham gia vào việc mở rộng xây dựng lòng tin và ngoại giao trong khu vực. Thêm vào đó, EU cũng đã hỗ trợ các nước trong khu vực trong cuộc chiến chống lại đại dịch với hàng trăm triệu USD tài trợ và cho vay.
EU mong muốn cùng ASEAN tăng cường ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững, vào những thời điểm thách thức và căng thẳng gia tăng sẽ cùng nhau vượt qua thử thách nhằm duy trì dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và tôn trọng luật pháp quốc tế.
ASEAN và Trung Đông
Đối với các khu vực Trung Đông năng động, các quốc gia bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đang gắn kết với các nước ASEAN nhiều hơn. Điều này được thể hiện rõ nhất với UAE, khi vào năm ngoái, UAE đã ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và đạt được tư cách đối tác đối thoại theo ngành, mở đường cho việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, đồng thời đặt nền móng cho quan hệ đối tác chiến lược để theo đuổi sự thịnh vượng chung.
UAE cho biết, nước này đang xây dựng “hành lang cơ hội” giữa các quốc gia GCC và Đông Nam Á. Một phần quan trọng của quá trình này là các cuộc đàm phán nhanh chóng về hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện với các quốc gia Đông Nam Á nhằm duy trì vị thế của UAE là đối tác hàng đầu của khu vực ở Trung Đông…
Những ví dụ này cho thấy các cường quốc bên ngoài đang chuẩn bị như thế nào để gắn kết chặt chẽ hơn với ASEAN. Khu vực rộng lớn này đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các cường quốc ngoài châu Á – Thái Bình Dương để đôi bên cùng phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn trong tương lai.